CƠ CHẾ MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ

Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu tiêu thụ điện năng, trong khi việc phát triển các nguồn phát điện truyền thống đang bị hạn chế do các nguyên nhân khác nhau. Trong bối cảnh như vậy, các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió được coi là giải pháp thiết yếu để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế bền vững.

Bối cảnh và mục tiêu

Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu tiêu thụ điện năng, trong khi việc phát triển các nguồn phát điện truyền thống đang bị hạn chế do các nguyên nhân khác nhau. Trong bối cảnh như vậy, các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió được coi là giải pháp thiết yếu để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế bền vững.

Nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, trong năm 2024 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP và Nghị định 135/2024/NĐ-CP, lần lượt vào ngày 3/7/2024 và ngày 22/10/2024, nhằm tạo ra các cơ chế chính sách cụ thể cho việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó đặc biệt là điện mặt trời. 

Nghị định 80/2024/NĐ-CP đặt nền tảng cho cơ chế mua bán điện trực tiếp, cho phép các doanh nghiệp lớn có thể ký kết hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo, hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam. Cơ chế mua bán điện trực tiếp giúp tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh trong thị trường điện.

Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng bằng nguồn tài nguyên tại chỗ.

Cả hai cơ chế đều hỗ trợ Việt Nam trong việc huy động thêm các nguồn lực xã hội, các nguồn đầu tư nước ngoài tham gia vào việc phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải các-bon.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp

Các mô hình thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp 

Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định hai mô hình cho cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các nhà sản xuất điện từ năng lượng tái tạo và các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn như sau:

a. Mô hình 1 - Mua bán điện qua đường dây kết nối riêng

Trong mô hình này, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo có thể ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng sử dụng điện lớn và sử dụng đường dây kết nối riêng để truyền tải điện. Khách hàng sử dụng điện lớn (sau đây gọi là khách hàng lớn) có sản lượng tiêu thụ bình quân 200.000 kWh/tháng trở lên (tính trung bình 12 tháng gần nhất), hoặc có sản lượng đăng ký từ 200.000 kWh/tháng trở lên (thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng). Nghị định không yêu cầu cụ thể về cấp điện áp của đường dây kết nối riêng, cho phép các bên linh hoạt trong việc thiết kế và xây dựng hạ tầng phù hợp với nhu cầu thực tế. Kết nối vật lý và các dòng thanh toán của mô hình này được minh họa ở các hình dưới đây.

Hình 4.10. Kết nối vật lý và thanh toán của mô hình qua đường dây kết nối riêng

b. Mô hình 2 - Mua bán điện qua lưới điện quốc gia

Mô hình này cho phép các khách hàng lớn, hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm công nghiệp (sau đây gọi là đơn vị bán lẻ điện được ủy quyền) được mua điện từ các đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo thông qua lưới điện quốc gia. Khách hàng lớn cần đấu nối vào cấp điện áp 22 kV trở lên. Đơn vị bán lẻ điện được ủy quyền cần có sản lượng mua điện từ 200.000 kWh/tháng trở lên và đấu nối lưới điện quốc gia từ cấp điện áp 22 kV trở lên.

Theo Nghị định, chỉ các đơn vị phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo là gió, hoặc mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên mới đủ điều kiện tham gia mô hình này. Điện năng sản xuất được hòa vào lưới điện quốc gia và bán trên thị trường điện giao ngay với giá chào 0 đồng. Việc mua bán điện giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và bên mua điện trực tiếp được thực hiện thông qua hợp đồng kỳ hạn (hợp đồng tài chính) với mức sai khác giữa giá thỏa thuận và giá thị trường điện giao ngay được áp dụng cho sản lượng điện năng cam kết. 

Bên cạnh đó, đối với sản lượng điện năng tiêu thụ hiệu chỉnh, được quy định bằng giá trị nhỏ nhất giữa điện năng tiêu thụ của bên mua và sản lượng thực phát của đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo đã quy đổi theo hệ số tổn thất, bên mua cần phải trả thêm cho EVN chi phí điện năng theo giá thị trường điện, chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện và chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch. Phần điện năng còn thiếu mà đơn vị phát điện không đáp ứng được sẽ được bên mua mua từ Tổng công ty Điện lực với giá bán lẻ điện áp dụng cho nhóm khách hàng tương ứng theo quy định hiện hành.

Hình 4.11. Minh họa kết nối vật lý của mô hình 2 qua lưới điện quốc gia 

Hình 4.12. Minh họa các dòng thanh toán của mô hình DPPA qua lưới điện quốc gia trong một chu kỳ giao dịch

Quy định và trình tự pháp lý để tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp

Nghị định yêu cầu đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn phải tuân thủ quy định của pháp luật về: quy hoạch, đầu tư (thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư công trình nguồn điện, bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt); quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực (thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư công trình nguồn điện); quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; quy định về mua bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, Nghị định còn đưa ra các quy định riêng cần tuân thủ liên quan đến chức năng của mỗi bên và trình tự thủ tục tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp cho mỗi mô hình. Hai hình dưới đây minh họa các nội dung cơ bản trong trình tự thủ tục tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp với mỗi mô hình.   

Hình 4.13.    Trình tự thủ tục tham gia mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng

Hình 4.14.    Trình tự thủ tục tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia

Một số điểm cần chú ý trong việc triển khai thực hiện Nghị định 80/2024/NĐ-CP

Hoàn thiện các hướng dẫn thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp: Nghị định 80/2024/NĐ-CP đã quy định các mô hình DPPA, cơ chế giá của mỗi mô hình, trách nhiệm của các bên tham gia DPPA, cũng như của EVN, đơn vị vận hành hệ thống điện, thị trường điện và trình tự thủ tục tham gia DPPA. 

Để cơ chế mua bán điện trực tiếp được triển khai, sẽ có một số hướng dẫn và nội dung thông tin được ban hành. Các hướng dẫn và thông tin này liên quan đến: các trình tự, thủ tục giữa bên mua và Tổng công ty Điện lực; hợp đồng mua bán sản lượng điện dư giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và EVN; các chi tiết liên quan đến đầu tư, quản lý hệ thống đo đếm; thủ tục liên quan đến thanh toán, chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện và chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch; và các nội dung khác.

Thành phần pin tích trữ trong các mô hình mua bán điện trực tiếp: Theo thực tiễn các mô hình mua bán điện trực tiếp trên thế giới, việc kết hợp pin tích trữ trong nhà máy điện năng lượng tái tạo có thể giúp tăng khả năng cung cấp điện ổn định từ phía đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và qua đó góp phần giảm rủi ro của giao dịch theo cơ chế mua bán điện trực tiếp. Tuy nhiên, định nghĩa về đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trong Nghị định lại không đề cập đến hệ thống pin tích trữ năng lượng. Với tác dụng tích cực của pin tích trữ, sẽ cần có hướng dẫn làm rõ việc cho phép tích hợp pin tích trữ trong nhà máy điện năng lượng tái tạo theo cơ chế mua bán điện trực tiếp. Hiện nay chính phủ chưa hoàn thiện các chính sách, quy định liên quan đến pin tích trữ, như: các phạm vi ứng dụng của pin tích trữ trên lưới điện; cấp phép vận hành pin tích trữ trước công tơ; cơ chế giá mua, bán điện giữa pin tích trữ trong hệ thống điện; quy định đấu nối lưới điện cho pin tích trữ. Do vậy, vấn đề tích hợp pin tích trữ trong cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ phải được hướng dẫn trong sự đồng bộ với việc hoàn thiện các chính sách, quy định về pin tích trữ vừa nêu. 

Chỉ tiêu phát triển các nguồn điện mặt trời theo cơ chế mua bán điện trực tiếp: Nghị định 80/2024/NĐ-CP nêu rõ việc đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia, an toàn hệ thống điện theo Quy hoạch điện được phê duyệt. Theo nội dung Phương án phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến phát triển thêm từ thời điểm ban hành Quy hoạch đến năm 2030 là 4.100 MW. Trong nội dung Cơ cấu nguồn điện của Quy hoạch điện VIII, tổng công suất của các nguồn điện mặt trời được phát triển đến 2030 được nêu rõ như sau: “Điện mặt trời 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW”. Bên cạnh đó, theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được ban hành theo Quyết định 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 (ban hành trước Nghị định 80/2024/NĐ-CP), tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm đến 2030 là 2.600 MW.

Từ các nội dung nêu trên trong Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, có thể thấy là tổng chỉ tiêu phát triển mới các nguồn điện mặt trời theo cơ chế mua bán điện trực tiếp đến 2030 bị giới hạn bởi con số 1.500 MW. Hơn thế nữa, do nội dung Cơ cấu nguồn điện của Quy hoạch điện VIII chỉ nêu hai loại nguồn điện mặt trời là nguồn tập trung và nguồn tự sản, tự tiêu, nên điện mặt trời mái nhà được phát triển thêm đến 2030 chỉ có thể thuộc vào loại hình tự sản, tự tiêu. Nói cách khác, trong tổng chỉ tiêu phát triển mới các nguồn điện mặt trời theo cơ chế mua bán điện trực tiếp đến 2030, không có chỉ tiêu cho điện mặt trời mái nhà, dù rằng loại hình này được nêu trong định nghĩa về đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trong Nghị định 80/2024/NĐ-CP. Việc không có chỉ tiêu cho điện mặt trời mái nhà theo cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ hạn chế khả năng triển khai mô hình mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng.  

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Các loại nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và các quy định pháp lý liên quan

Nghị định 135/2024/NĐ-CP nêu 2 hình thức đấu nối của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, bao gồm: không đấu nối lưới điện quốc gia; có đấu nối lưới điện quốc gia. 

Với hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối lưới điện quốc gia, Nghị định không ràng buộc về công suất lắp đặt cho mỗi cơ sở, tổng công suất lắp đặt toàn quốc, cũng như không yêu cầu giấy phép hoạt động điện lực. Hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không kết nối lưới điện quốc gia cũng không phải kết nối với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối. 

Với hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối lưới điện quốc gia, Nghị định có các quy định về thủ tục pháp lý và giới hạn tổng công suất toàn quốc khác nhau ứng với mức công suất lắp đặt, việc đăng ký bán điện dư, và tính chất của cơ sở lắp đặt. Xét theo công suất lắp đặt, hệ thống điện mặt trời mái nhà được phân chia thành 3 cấp độ, bao gồm: dưới 100 kW; từ 100 kW lên đến dưới 1000 kW; từ 1000 kW trở lên. Xét theo việc đăng ký bán điện dư, hệ thống điện mặt trời mái nhà được chia thành 2 loại là không bán điện dư và có bán điện dư lên lưới điện quốc gia. Xét theo tính chất của cơ sở lắp đặt, Nghị định phân biệt các nhóm cơ sở lắp đặt bao gồm: hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ; công sở; và các đối tượng còn lại. Các yêu cầu về công suất lắp đặt, tổng công suất lắp đặt toàn quốc, và các quy định pháp lý liên quan đến đăng ký quy hoạch, giấy phép hoạt động điện lực đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối lưới điện quốc gia được tóm tắt trong bảng sau. 

Bảng 4.2. Yêu cầu đối với các hệ thống điện mặt trời tự sản, tự tiêu nối lưới quốc gia

Công suất/ Bán điện dư

Không bán điện dư

Có bán điện dư

(Không áp dụng cho đối tượng công sở)

Ràng buộc chung

 Công suất phát triển nhỏ hơn hoặc bằng tổng công suất lắp đặt của phụ tải hiện có (phù hợp với sản lượng điện tiêu thụ tại 12 tháng gần nhất)

Dưới 100 kW

- Không được yêu cầu lắp thiết bị chống phát ngược và kết nối hệ thống SCADA

- Không được yêu cầu đăng ký quy hoạch và xin giấy phép hoạt động điện lực

- Thực hiện thủ tục đăng ký bán điện dư

- Không cần kết nối SCADA, không cần xin giấy phép hoạt động điện lực

- Không được mua vượt quá 20% công suất lắp đặt thực tế

Từ 100 kW đến dưới 1.000 kW

- Lắp thiết bị chống phát ngược

- Không cần đăng ký quy hoạch

- Không cần giấy phép hoạt động điện lực

- Trang bị các thiết bị, phương tiện kết nối với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối theo yêu cầu kỹ thuật của EVN (Kết nối SCADA)

- Công suất phải thuộc quy hoạch, kế hoạch triển khai quy hoạch được phân bổ tại địa phương.

- Thực hiện thủ tục đăng ký bán điện dư

- Kết nối SCADA

- Không được mua vượt quá 20% công suất lắp đặt thực tế

- Không cần giấy phép hoạt động điện lực

Từ 1.000 kW trở lên

- Công suất thuộc quy hoạch, kế hoạch triển khai quy hoạch được phân bổ tại địa phương. Hoặc cần đăng ký quy hoạch điện lực nếu chưa thuộc quy hoạch, kế hoạch trên

- Thực hiện thủ tục đăng ký bán điện dư

- Phải có giấy phép hoạt động điện lực

- Kết nối SCADA

- Không được mua vượt quá 20% công suất lắp đặt thực tế

Các đặc điểm đáng chú ý trong Nghị định 135/2024/NĐ-CP

Về khía cạnh quy hoạch: Nghị định tạo điều kiện phát triển tổng công suất toàn quốc không giới hạn, không phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển điện lực với 3 loại hình sau:

  • Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;
  • Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia;
  • Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW

Quy định này giúp phát triển điện mặt trời không giới hạn theo hình thức tự sản, tự tiêu, góp phần giảm áp lực cung ứng điện và truyền tải, phân phối điện. Quy định này cũng hướng đến việc thực hiện mục tiêu đến 2030 có 50% các cơ sở văn phòng, công sở lắp đặt điện mặt trời mái nhà như được nêu trong Quy hoạch điện VIII. 

Về khía cạnh thủ tục đăng ký: Ngoại trừ các trường hợp bán điện dư, các trường hợp còn lại chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký đơn giản, không cần đăng ký giấy phép điện lực, không phải nằm trong kế hoạch triển khai 2.600 MW điện mặt trời tự sản, tự tiêu của Quyết định 262/QĐ-TTg năm 2024.

Về tích hợp pin tích trữ: Khác với việc cơ chế mua bán điện trực tiếp không nêu nội dung nào liên quan đến lưu trữ năng lượng, Nghị định 135/2024/NĐ-CP có đặt vấn đề khuyến khích tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống lưu trữ điện để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.    

Công bố thông tin công suất điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ đấu nối lưới điện quốc gia: Nghị định yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với đơn vị điện lực địa phương, rà soát và công khai thông tin mỗi khi có sự thay đổi về công suất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, trong đó bao gồm tổng công suất chưa được và đã được cấp giấy chứng nhận phát triển. Quy định này góp phần minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.  

Vấn đề giám sát, điều khiển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu: Nghị định quy định các tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt điện mặt trời có trách nhiệm trang bị các thiết bị, phương tiện kết nối với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển theo yêu cầu kỹ thuật do Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố công khai. Việc giám sát điện mặt trời tự sản, tự tiêu là cần thiết, phục vụ cho việc đánh giá trạng thái các chế độ vận hành hệ thống điện, nhằm có các biện pháp kịp thời và bảo đảm tính ổn định của hệ thống điện, đặc biệt vào các thời điểm phụ tải điện thấp. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp khẩn cấp, việc cắt giảm công suất điện mặt trời tự sản, tự tiêu có thể là giải pháp phù hợp để bảo đảm hệ thống điện không rơi vào mất ổn định và sau đó là mất điện diện rộng. Một số nước như Úc, Hoa Kỳ, Nhật, Đức đều xác định việc giám sát, điều khiển điện mặt trời, trong đó có loại hình nguồn điện mặt trời mái nhà, là cần thiết, và đã có các quy định cụ thể về cấp công suất cần giám sát, điều khiển, tình huống cần điều khiển và phương pháp luận điều khiển. Các nước cũng coi phương án phải điều khiển điện mặt trời mái nhà là phương án dự phòng cuối cùng hoặc phương án khẩn cấp, nhằm bảo đảm ý nghĩa khuyến khích phát triển điện mặt trời, và bảo đảm tính kinh tế của các công trình điện mặt trời được lắp đặt. 

Một số nhận xét và khuyến nghị đối với cơ chế mua bán điện trực tiếp và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Xu hướng phát triển phân tán nguồn điện 

Cơ chế mua bán điện trực tiếp và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được Việt Nam ban hành với sự tham khảo quốc tế về các chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Đây là một trong những đặc trưng của xu hướng phân tán trong chuyển dịch năng lượng, trong đó bao gồm: khai thác nguồn năng lượng phân tán, khai thác nguồn tài chính phân tán (xã hội), và khai thác nguồn lao động phân tán.

Thuận lợi và thách thức của việc triển khai theo mỗi cơ chế từ góc nhìn của đơn vị tiêu thụ điện

Việc hai cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, được ban hành trong khoảng thời gian gần nhau, đã thu hút sự quan tâm và xem xét đầu tư xây dựng nguồn điện của các hộ gia đình, công sở, doanh nghiệp, khu công nghiệp… tại Việt Nam. Việc lựa chọn sử dụng nguồn điện theo cơ chế phù hợp với các cơ sở tiêu thụ điện là một vấn đề được nhiều bên quan tâm. Bảng dưới đây trình bày các điểm thuận lợi và thách thức của mỗi cơ chế, góp phần cho việc đưa ra quyết định lựa chọn cơ chế phù hợp để sử dụng hoặc phát triển nguồn điện mặt trời.

Bảng 4.3. Thuận lợi và thách thức trong việc triển khai thực hiện hai cơ chế

 

Đối tượng tham gia

Thuận lợi

Thách thức

Cơ chế mua bán điện trực tiếp

- Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo

- Khách hàng tiêu thụ điện lớn

- Đơn vị bán lẻ được ủy quyền

- Phát triển các dự án công suất lớn

- Có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư

- Cần tìm kiếm các đối tác (bên mua, bên bán) để thực hiện áp dụng theo cơ chế

- Thủ tục thực hiện phức tạp

- Cần quản lý rủi ro về giá khi mua bán qua lưới quốc gia

- Thay đổi hợp đồng mua bán điện giữa doanh nghiệp trong khu công nghiệp và đơn vị bán điện lẻ khu công nghiệp

Cơ chế khuyến khích điện mặt trời tự sản, tự tiêu

- Nhà ở, cơ quan công sở

- Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế

- Cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh

- Phù hợp với các đơn vị tiêu thụ năng lượng quy mô nhỏ

- Thuận lợi cho việc khai thác diện tích mái nhà sẵn có

- Không cần tìm kiếm đối tác

- Thủ tục thực hiện đơn giản

- Khó huy động vốn từ các nhà đầu tư

- Giới hạn công suất theo diện tích mái nhà

Một số khuyến nghị thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp

Chỉ tiêu phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà: Cần làm rõ về chỉ tiêu phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà theo cơ chế mua bán điện trực tiếp như đã nêu trong tiểu mục 4.3.2.2, đồng thời hướng đến việc mở rộng chỉ tiêu này (nếu có) để tạo thuận lợi cho việc triển khai mua bán điện trực tiếp, đặc biệt là đối với mô hình mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng.

Thúc đẩy hiểu biết và hợp tác của các bên tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp: Cần tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và các bên mua về lợi ích của cơ chế mua bán điện trực tiếp, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Hoàn thiện các chính sách, quy định về pin tích trữ năng lượng: Như đã phân tích ở tiểu mục 4.3.2.2, việc hoàn thiện các chính sách, quy định về pin tích trữ sẽ tạo điều kiện cho việc tích hợp pin tích trữ vào nhà máy điện năng lượng tái tạo, qua đó tăng mức độ khả dụng, độ tin cậy của các mô hình mua bán điện trực tiếp, và góp phần giảm ảnh hưởng của nhà máy điện năng lượng tái tạo đối với sự ổn định của hệ thống điện.   

Đẩy mạnh việc hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh: Cơ chế mua bán điện trực tiếp được xây dựng trên nền tảng thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam, trong đó có việc áp giá thị trường giao ngay cho phần sản lượng điện dư của mô hình mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia và giá điện bán lẻ (theo quy định) cho phần sản lượng điện khách hàng lớn mua thêm ngoài sản lượng do đơn vị phát điện năng lượng tái tạo cung cấp. Việc hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, bao gồm thị trường điện bán buôn (trong đó có thị trường điện giao ngay) và thị trường điện bán lẻ sẽ tạo ra tín hiệu giá phản ánh đúng nhu cầu của thị trường, tạo ra tác dụng tích cực cho việc thực thi cơ chế mua bán điện trực tiếp.   

Một số khuyến nghị thúc đẩy cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Hoàn thiện các hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu: Thực hiện hoàn thiện các hướng dẫn nhằm triển khai cơ chế của Nghị định 135/2024/NĐ-CP ra thực tiễn, đặc biệt là các quy định về hệ thống giám sát, điều khiển kết nối với cấp điều độ phân phối, quy định cụ thể về việc tính toán sản lượng dư được EVN mua. Đối với quy định về hệ thống giám sát, điều khiển kết nối với cấp điều độ phân phối, cần nêu rõ các trường hợp buộc phải điều khiển, cắt giảm và các nguyên tắc điều khiển, cắt giảm hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. 

Thúc đẩy hiểu biết và hợp tác của các bên tham gia cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu: Cần tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức của các bên về lợi ích của cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế này.

Công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà có tích hợp pin tích trữ: Việc cho phép, khuyến khích lắp đặt lưu trữ năng lượng đã tạo thuận lợi để các cơ sở lắp đặt có thể lưu trữ sản lượng điện mặt trời mái nhà dư thừa buổi trưa (sau 11h30) để dùng cho buổi chiều tối. Việc giới hạn công suất điện mặt trời mái nhà nhỏ hơn hoặc bằng phụ tải hiện hữu có thể khiến cho hiệu quả sử dụng và nhu cầu dùng lưu trữ năng lượng giảm đi. Cần xem xét xét việc nâng giới hạn công suất lắp đặt đối với các nguồn điện mặt trời mái nhà tích hợp lưu trữ năng lượng.

Cho phép cập nhật giới hạn công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà theo thời gian: Phụ tải điện của cơ sở lắp đặt điện mặt trời mái nhà có thể tăng trưởng theo thời gian do sự phát triển kinh doanh. Vì vậy, nên có hướng dẫn về việc cho phép cập nhật giới hạn công suất lắp đặt và thủ tục liên quan đến việc lắp đặt bổ sung nguồn điện mặt trời mái nhà theo sự tăng lên của phụ tải điện.

Tài liệu tham khảo:

[1]     Đảng cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”. 2021. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
[2]     https://media.chinhphu.vn/video/5-tao-lap-cua-the-che-doi-voi-su-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-cua-dat-nuoc-19325.htm.
[3]     Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13 tháng 12 năm 2023, Giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.  
[4]     International Energy Agency (IEA), “State of Energy Policy 2024”. 2024.
[5]    https://carbonpricingdashboard.worldbank.org/what-carbon-pricing
[6]     Institute for Climate Economics, “Global Carbon Accounts, 2023”. 2023.
[7]     International Energy Agency (IEA), “World Energy Investment 2024”. 2024.
[8]     International Renewable Energy Agency (IRENA), BNDES, “Development Banks and Energy Planning Attracting Private Investment for the Energy Transition – The Brazilian Case”. 2024.

Trích Chương 4 - Tạp chí Phân tích và nhận định của PECC2 về Triển vọng Phát triển Năng lượng Việt Nam 2024

Chia sẻ: