Công nghệ Radar xuyên đất: Bước đột phá khảo sát của PECC2

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra như một xu hướng tất yếu, công tác khảo sát phục vụ xây dựng các công trình ngầm để tạo vẻ mỹ quan, văn minh, hiện đại cho các khu vực đô thị và lân cận đang được chú trọng. Nắm bắt được nhu cầu đó, Chi nhánh Xí nghiệp khảo sát PECC2 đã áp dụng công nghệ Radar xuyên đất (Georadar) trong công tác khảo sát dò tìm công trình ngầm cho các dự án Trạm biến áp và đường dây đấu nối xây dựng theo phương pháp ngầm hóa, mới đây nhất là dự án Trạm biến áp 110kV và đường dây đấu nối Cảng Quy Nhơn.

Hình 1. Hình ảnh khảo sát hiện trường bằng công nghệ Georadar tại dự án Trạm biến áp 110kV và đường dây đấu nối Cảng Quy Nhơn

Radar xuyên đất (Georadar) là một phương pháp địa vật lý hiện đại dựa trên cơ sở lý thuyết của trường sóng điện từ ở dải tần số từ 10 – 3000 MHz để nghiên cứu cấu trúc và đặc tính của kết cấu vật chất từ nông đến sâu với độ phân giải cao. Nguyên lý hoạt động của phương pháp này dựa trên sự phản xạ của sóng điện từ để thu nhận các thông tin về thuộc tính: phân loại, độ sâu, vị trí… của đối tượng.

Hình 2. Nguyên lý hoạt động của công nghệ Georadar

Dự án Trạm biến áp 110kV và đường dây đấu nối Cảng Quy Nhơn đã sử dụng công nghệ Georadar kết hợp với dữ liệu thu thập được để chính xác hóa thông tin về các công trình ngầm hiện hữu trong khu vực, đây là cơ sở để thiết kế điều chỉnh hướng tuyến giảm thiểu ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu trong quá trình giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng sau này. Thiết bị khảo sát Georadar được Chi nhánh Xí nghiệp khảo sát PECC2 sử dụng trong quá trình khảo sát dự án là Model RIS MF Hi-Mod #1 của hãng IDS GeoRadar (Italia) với cấu hình gồm 1 Ăngten tần số kép 200 MHz và 600MHz (có màn chắn) hoạt động đồng thời. Đặc biệt hơn, thiết bị này được thiết kế theo cấu trúc mô đun, có khả năng tháo lắp dễ dàng và nâng cấp lên cấu hình gồm nhiều ăngten hoạt động đồng thời, giúp tăng năng suất và chất lượng của công tác khảo sát.

Hình 3. Thiết bị khảo sát Georadar Model RIS MF Hi-Mod #1 được sử dụng tại dự án Trạm biến áp 110kV và đường dây đấu nối Cảng Quy Nhơn

So với các phương pháp khảo sát trước đây, Radar xuyên đất (Georadar) được đánh giá ưu việt hơn hẳn vì đây là công nghệ khảo sát không phá hủy, có thể nghiên cứu các cấu trúc và đặc tính của các đối tượng dưới lòng đất mà không cần đào bới. Bên cạnh đó, tần số sóng phát ra hoàn toàn không gây bất kỳ nguy hại nào đến lòng đất, môi trường, con người và đặc biệt là không gây tiếng ồn. Chính vì vậy, công nghệ Radar xuyên đất không chỉ để khảo sát các công trình ngầm mà còn được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác như: khảo cổ học, môi trường, an ninh quân sự….

Việc ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động sản xuất điển hình như Georadar đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của PECC2 đó là phát triển phải đi đôi với công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, đem lại các dịch vụ với chất lượng vượt trội cho khách hàng. Tại Chi nhánh Xí nghiệp khảo sát PECC2, phương pháp Georadar được áp dụng vào công tác khảo sát các dự án không chỉ giúp tăng độ tin cậy của dữ liệu thu thập được mà còn rút ngắn thời gian khảo sát, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc.

Một số hình ảnh về kết quả khảo sát Georadar tại Dự án Trạm biến áp 110kV và đường dây đấu nối Cảng Quy Nhơn:

Hình 4. Hình ảnh khảo sát Georadar tại một điểm trên vỉa hè trước nhà dân

Hình 5. Các đối tượng công trình ngầm, dị vật được phát hiện trong phạm vi khảo sát tại một điểm trên vỉa hè trước nhà dân theo phương cắt vuông góc với tuyến khảo sát

Thực hiện: Nguyễn Thanh Phú

 TIN TỨC KHÁC

Chia sẻ: