Khu vực hành lang sạch sẽ, thoáng mát và nhiều cây xanh của Công ty Điện lực Ninh Thuận (Ảnh: Bảo Khang)
Hiện nay, thế giới nói nhiều về mô hình phát triển bền vững, về tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh cho đến kiến trúc /sinh thái, đô thị xanh - sạch - đẹp…Singapore là một điển hình thành công của mô hình phát triển đất nước bền vững, tập trung vào xanh-sạch-đẹp và thông minh.
Một quốc đảo có diện tích hẹp chỉ 697,2 km2, tương đương huyện đảo Phú Quốc, dân số hơn 5,3 triệu người, GDP bình quân đầu người là 55.182 USD/năm, đứng thứ 9 thế giới và cũng là quốc gia có hệ thực vật phong phú và diện tích cây xanh trên đầu người đứng đầu Châu Á.
Singapore là đất nước mà người dân đã trở thành chủ nhân của văn hóa lối sống xanh-sạch-đẹp. Việc xây dựng và quản trị thành phố ở đây đã được thực hiện theo cả hai hình mẫu tiên tiến về phát triển xanh một cách hoàn hảo là rừng trong đô thị và đô thị trong rừng. Môi trường thiên nhiên này cũng có mối quan hệ tương hỗ với mô thức quản trị sạch của Chính phủ - một thương hiệu của Singapore với ba kỷ lục Châu Á và cả thế giới: Nền quản trị công ít tham nhũng nhất, có hiệu quả cao nhất và nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất.
Với Singapore xanh, sạch trong môi trường sống và làm việc cũng là điều kiện thuận lợi để tạo ra cái minh bạch và hiệu quả cao trong quản trị quốc gia và các doanh nghiệp. Môi trường xanh-sạch-đẹp không chỉ tạo ra cảm giác an toàn, giảm stress, có lợi cho sức khỏe mà còn khơi dậy cảm hứng sáng tạo, tạo bầu không khí nuôi dưỡng và theo đuổi cái đẹp, sự hoàn hảo trong quá trình lao động, sản xuất của con người.
Ông Phạm Chí Cường, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài (NIAGS) – Tổng Công ty hàng không Việt Nam ( Vietnam Airlines) – là một người rất tâm huyết với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Vì vậy, NIAGS luôn hướng tới xây dựng đơn vị trở thành một cộng đồng có văn hóa. Xí nghiệp NIAGS đã tạo ra và duy trì một môi trường để mỗi thành viên đều cảm thấy được tin yêu, quý trọng như những tài sản quý giá nhất. Một môi trường mà sự đóng góp của bất kỳ thành viên nào vào thành công của NIAGS đều được tưởng thưởng xứng đáng và ngược lại, những hành vi ứng xử trái với văn hóa NIAGS, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, tổn hại lợi ích của khách hàng đều bị lên án mạnh mẽ và không có chỗ đứng ở NIAGS.
Khi các đơn vị, phòng ban trong Xí nghiệp hăng hái, nhiệt thành thực thi xây dựng VHDN thì lãnh đạo NIAGS phát hiện anh em có xu hướng thiên lệch về các yếu tố tinh thần và các công việc lớn; yếu tố vật chất và công việc thường ngày dễ bị coi nhẹ hoặc mặc nhiên chấp nhận như sự tồn tại. Thí dụ, họ thảo luận tích cực về các giá trị cốt lõi và bình chọn những tấm gương lao động xuất sắc của Xí nghiệp, song việc vệ sinh công sở lại phụ thuộc, giao phó hoàn toàn cho vài nhân viên hợp đồng chuyên trách. Trong một cuộc họp, Giám đốc Cường đã nêu ra hiện tượng anh quan sát thấy một vũng nước do cơn mưa tạo ra vài ngày nay vẫn tồn tại trước cửa Văn phòng Xí nghiệp, mọi người đều cố tránh để khỏi ướt giầy, nhưng chưa có ai dừng lại khơi thông, quét dọn làm khô vũng nước này. “ Chừng nào chúng ta còn chưa có ý thức gìn giữ vệ sinh sạch sẽ, chưa xắn tay vào làm khô vũng nước trước cửa cơ quan, phòng làm việc của mình, thì chừng đó chúng ta chưa thể có VHDN”, Giám đốc Cường kết luận.
Cái vũng nước được dọn sạch ngay sau đó, nhưng bài học về làm vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc và công sở còn được nhắc lại như một giai thoại về xây dựng VHDN của NIAGS. Câu chuyện “cùng xắn tay vào làm khô vũng nước” còn góp phần thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tập thể NIAGS – Đó cũng là một điều kiện cơ bản để một DN xây dựng VHDN thành công.
Như vậy, đối với mỗi doanh nghiệp, việc cố gắng tạo ra và gìn giữ một môi trường làm việc xanh – sạch –đẹp cũng có mối quan hệ tương hỗ với việc xây dựng VHDN hướng về chất lượng, hiệu quả và đề cao nhân tố con người của mỗi DN. Các DNNN cần cố gắng đi tiên phong theo phương thức quản trị dựa trên văn hóa xanh – sạch –đẹp, làm thay đổi nhận thức, định kiến xã hội DN là thủ phạm tàn phá tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường. Vì vậy, cần đổi mới tư duy chiến lược, triết lý phát triển với các từ khóa là quản trị - phát triển xanh, phát triển bền vững, phát triển kinh tế tri thức,… đến các hành động tạo ra phương thức quản trị sạch, hiệu quả, từ các việc lớn đến việc nhỏ, kể cả việc lãnh đạo cùng anh em xắn tay cùng quét dọn, khơi thông cống rãnh, trồng cây trước cửa công sở, nơi làm việc của DN mình.
Nguồn: Tạp chí Điện lực