Lắp đặt cột kết cấu thép đầu tiên của hạng mục lò hơi. (Ảnh: Lilama 18)
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng ngày 13/12/2014, tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dự án gồm 1 tổ máy (660 MW), với sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 3,9 tỷ kWh và xây dựng bến cảng số 2 (gồm bến, cầu cảng và phần nạo vét trước bến) phục vụ tiếp nhận than, dầu.
Tổng mức đầu tư của dự án là 22.774 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ 82 triệu USD). Hợp đồng EPC có tổng giá trị 891.647.395 USD đã bao gồm thuế và dự phòng, trong đó 85% vốn vay thương mại nước ngoài, 15% giá trị còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư.
Dự án do Tổng Công ty Phát điện 1 làm Chủ đầu tư, Ban QLDA Nhiệt điện 3 là đại diện Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý dự án.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng là nhà máy nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu than, thông số hơi trên tới hạn và có tái sấy, công nghệ lò đốt than phun, đảm bảo các chỉ tiêu cao về hiệu suất, tính ổn định, an toàn và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường do áp dụng các phương pháp lọc bụi, khử NOx và SOx thông qua các thiết bị hiện đại và tiên tiến hiện nay. Than cung cấp cho nhà máy được nhập khẩu bằng đường biển thông qua bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu 30.000DWT.
Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản làm tổng thầu EPC cho dự án, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 cùng Tư vấn phụ nước ngoài là tư vấn giám sát thi công (bao gồm phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công). Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 Mở rộng được đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua cấp điện áp 500kV.
Theo tiến độ đã được ký kết, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại trong vòng 42 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực. Về cơ bản, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 Mở rộng sẽ vận hành ở chế độ phụ tải đáy vào mùa khô và ở phụ tải lưng vào mùa mưa. Phương án khai thác Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 Mở rộng như vậy cho phép vận hành tối ưu hệ thống và mang lại hiệu quả tài chính tốt cho chủ đầu tư.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam từ năm 2018, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.
Nguồn: nangluongvietnam.vn