Cái bẫy của phát triển ồ ạt điện mặt trời
Với tốc độ tăng trưởng phụ tải bình quân 8,6%/năm theo quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), sản lượng điện thiếu hụt cao nhất có thể lên đến 12,3 tỷ kWh – tương đương với 4% nhu cầu toàn hệ thống vào năm 2023. Nguy cơ thiếu điện bắt nguồn từ việc chậm tiến độ hàng loạt dự án nguồn điện so với quy hoạch được duyệt, sự sụt giảm liên tục sản lượng khí cung cấp cho sản xuất điện, và tiềm năng thủy điện cạn kiệt dần.
Để giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện nhập khẩu, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo như mặt trời và gió nhằm tăng tỷ trọng của chúng trong hệ thống điện, là chiến lược đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Điện gió Thuận Bình - Ảnh: Thanh Niên Online
Phù hợp với chiến lược đó, tổng công suất các nguồn điện mặt trời và gió được phê duyệt bổ sung cho năm 2022 lên đến 14.110MW. Và hiện nay, đã có 5.302MW công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành (tính đến tháng 3/2020).
Tuy nhiên, không như các nước phát triển sở hữu mô hình nguồn phân tán như điện mặt trời áp mái – có thể đáp ứng tiêu thụ tại chỗ, giảm chị phí truyền tải và áp lực đầu tư cho ngành điện, phần lớn các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam được đấu nối trực tiếp trên đường dây truyền tải với cấp điện áp 110kV trở lên.
Thực tiễn cho thấy các dự án điện mặt trời có thời gian thi công xây dựng tương đối ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, nên trong thời gian qua đã có số lượng lớn các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành chỉ vài tháng sau khi dự án được phê duyệt, trong khi không có sự chuẩn bị về hạ tầng lưới, đã dẫn đến gây quá tải trên diện rộng cho hệ thống truyền tải.
Thực tế, thời gian từ khi quyết định đầu tư cho đến khi đưa các công trình truyền tải vào hoạt động phải mất từ 3 đến 5 năm. Vì vậy, bài toán phát triển năng lượng tái tạo cần được giải quyết hài hòa với bài toán đầu tư các công trình lưới điện đồng bộ, xét trên quan điểm hiệu quả tổng thể của nền kinh tế.
Để năng lượng tái tạo đi được đường dài bền vững
Phát triển điện mặt trời áp mái - Ảnh: EVN
Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam tiếp tục tạo đà cho cuộc đua đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời sau khi “phát súng” Quyết định 11/2017/ QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019.
Với mức giá vừa ban hành thấp nhất là 1.644 đ/kWh (7,09 US cent) cho các dự án điện mặt trời và 1.928 đ/kWh (8,5 US cent) cho các dự án điện gió – những con số vẫn được xem là hấp dẫn so với mặt bằng chung của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam tiếp tục kỳ vọng chứng kiến nhiều dòng vốn đầu tư lớn để tiếp đà phát triển những dự án năng lượng tái tạo. Việc thu hút được làn sóng đầu tư này vào lĩnh vực năng lượng không những góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn giúp cải thiện hiệu quả sử dụng đất cũng như gia tăng việc làm tại một số địa phương có tính chất tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển năng lượng sạch như Ninh Thuận – Bình Thuận, Quảng Trị, Đaklak, Bạc Liêu...
Với tiềm năng phát triển công suất lớn của năng lượng tái tạo, thách thức lớn nhất với ngành điện vẫn là tìm lời giải cho bài toán giải tỏa công suất các trung tâm năng lượng tái tạo. PECC2, đơn vị tư vấn hàng đầu về nghiên cứu hệ thống điện, đã đầu tư nghiên cứu và tính toán để tìm đáp số cho bài toán này.
Theo báo cáo nghiên cứu “Phương án giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên toàn quốc đến năm 2025” được thực hiện bởi Phòng Nghiên cứu Hệ thống điện – Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển PECC2, các khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo tiềm năng bao gồm Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ (1&2), Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ với tổng công suất đến năm 2025 khoảng 21.000 MW và đến năm 2030 khoảng 49.000 MW.
Các trung tâm năng lượng tái tạo tiềm năng - Ảnh: PECC2
Theo kết quả nghiên cứu, PECC2 đã đề xuất các điểm đấu nối, với các công trình lưới điện cần bổ sung, để hấp thụ công suất các nguồn năng lượng tái tạo được thực hiện theo cơ chế cấp bách đến năm 2025 với công suất khoảng 30.000MW - chiếm tỷ trọng tương đương 30% tổng nguồn điện toàn quốc.
Tóm lại, để phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững, ngoài việc quy hoạch xây dựng các công trình lưới điện mang tính chất đón đầu, cần thúc đẩy phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo phân tán phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ như các khu công nghiệp, hộ tiêu thụ thương mại, dịch vụ, nhà dân. Đồng thời, sớm đưa vào các công trình nguồn điện lưu trữ như thủy điện tích năng và áp dụng các công nghệ tiên tiến của lưới điện thông minh như dự báo công suất phát của các nhà máy, để góp phần nâng cao khả năng vận hành hệ thống điện, tối ưu sản lượng điện từ năng lượng tái tạo, cải thiện chất lượng điện năng và đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện.
Thực hiện: Lê Hà Phan