Cụ thể, theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Việt Nam hiện đã khai thác gần hết nguồn thủy năng. Trong bối cảnh sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo còn chiếm tỷ trọng nhỏ, giá thành sản xuất còn cao; bên cạnh đó, điện hạt nhân đã tạm dừng, thì nhiệt điện than vẫn phải được coi là phương hướng phát triển chủ đạo.
Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết thêm: Việc phát triển nhiệt điện than, sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện, là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. 'Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và hạn chế dần phát triển nhiệt điện than' - PGS.TS Trương Duy Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo Lãnh đạo của Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại khoảng 300 năm nữa. Đây cũng là nguồn sản xuất điện có giá thành rẻ hơn so với thủy điện, hay nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mục tiêu đến năm 2020, công suất nhiệt điện than chiếm khoảng 42,7% trong tổng cơ cấu nguồn điện của Việt Nam, tỷ trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất vào khoảng 49,3%. Đến năm 2030, mặc dù công suất nhiệt điện than không tăng thêm nhưng tỷ trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất sẽ đạt tới 53,2%.
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than, PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho rằng, phải xử lý hiệu quả các chất thải, làm tốt công tác quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường, trong đó các nhà máy nhiệt điện cần phải tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý. Ông cũng cho biết: 'Công nghệ trong các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam hiện nay đã ngang tầm thế giới'.
Tại Hội thảo, bà Lê Thị Ngọc Quỳnh - Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường EVN đã trình bày tham luận về công tác bảo vệ môi trường trong các nhà máy nhiệt điện than của EVN. Theo đó, Tập đoàn đang quản lý 11 nhà máy nhiệt điện than. Công tác môi trường tại các nhà máy được EVN hết sức quan tâm đầu tư. Điển hình như: Tất cả các nhà máy nhiệt điện than đều có hệ thống lọc bụi tĩnh điện; hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, sinh hoạt; nước làm mát sau khi làm mát bình ngưng của tuabin hơi được dẫn trong kênh tuần hoàn hở có chiều dài đủ để đưa nhiệt độ nước về dưới mức quy định của QCVN; 8/11 nhà máy đã lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh trong khói thải; 9/11 nhà máy áp dụng công nghệ vòi đốt Low-NOx để giảm thiểu phát thải ni tơ trong khói;...
Đối với các nhà máy nhiệt điện than cũ, Tập đoàn đang cải tạo, đầu tư lắp đặt thiết bị bảo vệ môi trường để đáp ứng được yêu cầu mới. Các dự án cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý khí thải ở những nhà máy cũ sẽ kết thúc trong thời gian cuối năm 2018 - đầu 2019.
Thời gian qua, thực hiện minh bạch về công tác xử lý môi trường của các nhiệt điện, hiện nay gần như 100% các nhà máy nhiệt điện mới của EVN đều đã hoàn thành hoặc đang khẩn trương triển khai các hệ thống quan trắc, giám sát liên tục (camera online) tại tất cả các điểm thải ra của nhà máy. Các tín hiệu này được kết nối về tận các ban ngành liên quan của các tỉnh, để chính quyền và nhân dân trong tỉnh tham gia giám sát, kiểm tra.
Nguồn: evn.com.vn