Nhiều nhà máy thủy điện đối mặt nguy cơ giảm sản lượng do không tích đủ nước
Vẫn thường trực nguy cơ thiếu điện
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Sơ bộ năm 2019 sẽ thiếu nước nghiêm trọng do miền Trung đang khô hạn, thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kWh. Do đó phải dùng nhiệt điện than hoặc nhiệt điện dầu để bù đắp, mặc dù nhiệt điện dầu giá rất cao.
Một khó khăn nữa là vấn đề cung cấp khí. Nhu cầu các nhà máy cần 22 triệu m3 khí/ngày trong khi PV Gas chỉ cung cấp được 16,5 triệu m3, như vậy không huy động hết công suất của các nhà máy tại khu vực Phú Mỹ, Nhơn Trạch.
Đặc biệt, một thách thức nữa trong đảm bảo cung ứng điện là tăng trưởng nhu cầu điện vẫn trên 10%, gây quá tải.
“Sau năm 2020, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì thiếu điện chắc chắn sẽ xảy ra. Mấy năm gần đây không có nhà máy lớn nào khởi công, trong khi một loạt dự án BOT lại bị chậm tiến độ”, ông Tri nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết thêm: Bộ đang xây dựng phương án cấp điện trong năm 2019, trong đó chỉ đạo EVN xây dựng 4 phương án, trong đó có 2 phương án tương ứng với 2 cấp độ tăng trưởng phụ tải và 2 phương án nếu nước về. Khó khăn của năm nay là nhiều hồ thủy điện ít nước hơn mọi năm, không tích đủ. Một số mỏ khí đang suy giảm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao TKV, Than Đông Bắc cùng các đơn vị sử dụng than xem xét phương án sử dụng than trong nước và nhập khẩu đủ để phát điện trong năm 2019.
“Với những giải pháp này thì khả năng cung ứng điện năm 2019 có thể đảm bảo, tuy nhiên tại một số thời điểm do căng thẳng về nguồn sẽ phải huy động một số nhà máy nhiệt điện dầu, thậm chí với phương án tối ưu nhất là phụ tải tăng trưởng 9,94% và tần suất nước về đạt 65% thì chúng ta vẫn phải huy động 3 tỷ kWh điện dầu. Còn phương án xấu khi phụ tải tăng trưởng cao, nước về ít thì sản lượng điện dầu còn nhiều hơn”, ông Nguyễn Anh Tuấn đưa ra dự báo.
Dùng điện tiết kiệm – giải pháp căn cơ
TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất: phải quan tâm đến quản lý phía cầu trong đảm bảo an ninh năng lượng thay vì chỉ tập trung phát triển nguồn cung.
“Về phía cầu, tiêu thụ năng lượng gắn với hai khía cạnh vĩ mô và vi mô. Vĩ mô là phân bổ nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực tiêu dùng điện năng khác nhau như thế nào, vi mô là hiệu quả sử dụng năng lượng tại cơ sở được phân bổ nguồn lực như thế nào”, ông Thiên nói.
Điện mặt trời đang phát triển tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, cùng với việc tăng cung thì vẫn phải kiểm soát cầu.
“Tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam còn rất nhiều. Từ trước đến nay, tăng trưởng ngành điện của Việt Nam thường cao hơn tăng trưởng GDP, nay ta phải kéo giảm xuống. Tăng trưởng ngành điện thấp mà GDP vẫn tăng cao thì đó mới là tốt. Sắp tới, không phải khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm nữa mà là bắt buộc, phải có chế tài đủ mạnh”, ông An đề nghị.
Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu tăng mãi nguồn cung thì sẽ dẫn đến lãng phí. Phải tăng cung nhưng đồng thời giảm cầu thì mới đảm bảo phát triển ngành điện bền vững.
Ông Đinh Quang Tri cho biết, EVN đã phát động chiến dịch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại các doanh nghiệp, hạn chế xảy ra quá tải giờ cao điểm trong khung giờ 9 - 11 giờ sáng, 5h chiều - 8 giờ tối. Doanh nghiệp cần điều chỉnh sử dụng điện tránh giờ đó ra thì hệ thống điện mới bảo đảm.
Bên cạnh đó, EVN đã kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh điện mặt trời áp mái trong các hộ dân. Mỗi gia đình chỉ cần lắp thiết bị công suất khoảng 3 - 5 kWh, phù hợp với lưới điện hạ thế, không phải đầu tư thêm lưới truyền tải.
“Đây là giải pháp tốt cho chính các hộ tiêu dùng điện. Nếu lắp được khoảng 5 kW thì các thiết bị trong gia đình ban ngày dùng điện mặt trời, giảm tiêu thụ điện của EVN, nếu không dùng đến thì có thể bán lại cho EVN thông qua công tơ 2 chiều. Cả nước có 30 triệu hộ dân, chỉ cần 1 triệu hộ lắp đặt, nhân với 3 kWh là ta có 3 triệu kWh, con số khủng”, lãnh đạo EVN phân tích.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An: “Hiện nay tổng công suất chúng ta có khoảng 46.000 MW điện, mục tiêu đặt ra đến năm 2030 chúng ta phải có 130.000 MW, nghĩa là từ nay đến lúc đó ta cần thêm 84.000 MW điện mới đưa vào vận hành để đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh ở mức 2 con số”.
Nguồn: icon.com.vn