Nguồn ảnh: www.idginsiderpro.com
Chạy trời không khỏi… tin giả
Giữa những căng thẳng tin tức mỗi ngày về thảm hoạ y tế toàn cầu gây ra bởi virus Corona, người Việt cứ dăm bữa lại nghe về những vụ phạt 10 triệu, 15 triệu với những cá nhân tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh trên mạng xã hội. Khi là “ăn trứng luộc trị Corona”, khi thì “Bệnh viện Chợ Rẫy có 33 người chết vì Corona” cho đến “đã tìm ra vắc-xin trị Corona, book lịch tiêm tận nhà”… Cùng với đó, là hàng loạt những lời khuyên sức khoẻ vô căn cứ xuất hiện khắp nơi.
Vấn nạn này không của riêng Việt Nam. Đầu tháng 2/2020, trong một cuộc họp ban giám đốc, bên cạnh các cảnh báo y tế, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải lên tiếng kêu gọi thế giới cảnh giác với nạn phát tán thông tin thất thiệt về dịch bệnh. Những tập đoàn công nghệ lớn cũng vào cuộc, chẳng hạn Facebook, đã tuyên bố tuyên chiến với tin giả trong đợt đại dịch, chẳng hạn lời khẳng định virus Corona là vũ khí sinh học được các chính phủ phát tán…
Chưa nghiên cứu nào có thể thống kê toàn diện những tác hại mà tin giả gây ra cho cộng đồng. Ở cấp độ cá nhân, một số tin giả giật gân, câu like có thể cũng chỉ là vài mẩu tin vô thưởng vô phạt, sẽ chỉ chìm nghỉm vào dòng thông tin biến động mỗi ngày. Tuy nhiên, hậu quả của tin giả không dừng ở câu chuyện cá nhân, mà còn có sức tác động đến các vấn đề an ninh chính trị, xã hội, kinh tế… ở bình diện rộng lớn.
Một trong những “case-study” nổi bật trong các nghiên cứu về tin giả là sự kiện kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, thời điểm đó, nhiều cử tri Mỹ đã tiếp cận lượng tin giả áp đảo so với các thông tin chính thống trên báo chí. Và tồn tại những “guồng máy” sản xuất tin giả kiếm tiền liên tục nhờ việc lan truyền những thông tin bịa đặt, giật gân. Chẳng hạn tin bà Hillary Clinton là người điều hành một đường dây mại dâm trẻ em tại một nhà hàng ở Washington… |
Fake news và những cuộc khủng hoảng “đánh úp” doanh nghiệp
Còn với các doanh nghiệp, hoạt động kinh tế thì sao? Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự vụ khiến việc làm ăn của nhiều người lao đao chỉ vì tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, thậm chí là những bản tin do báo chí chính thống nhầm lẫn.
Một sự cố nghiệp vụ báo chí đáng tiếc từng xảy ra là câu chuyện “ăn bưởi gây ung thư”. Năm 2007, một số tờ báo lớn của Việt Nam dịch lại một mẩu tin về sức khoẻ đăng trên báo nước ngoài (BBC News và Daily Mail), dẫn nguồn một nghiên cứu khoa học của Mỹ và khẳng định “Bưởi liên quan với bệnh ung thư vú”, cụ thể: “Ăn bưởi mỗi ngày có thể kích thích các khối u vú ác tính phát triển lên thêm 30% so với những phụ nữ không ăn bưởi thường xuyên...”. Thông tin này được Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang cho rằng đã khiến bưởi tại địa phương mất giá nghiêm trọng, gây thiệt hại đến các vùng chuyên canh bưởi của nông dân. Sau khi tìm hiểu lại, các chuyên gia đã chỉ ra, bưởi Việt Nam đã bị “oan”. Bởi loại bưởi trong nghiên cứu (bưởi chùm) với bưởi tại Việt Nam là những giống hoàn toàn khác nhau. Trên thực tế, các biên tập viên không bịa thêm nội dung, vấn đề nằm ở một rắc rối dịch thuật vô tình. 4 cơ quan báo chí đăng tải thông tin nhầm lẫn trên đã phải nhận mức phạt từ 12 đến 15 triệu đồng từ Bộ Thông tin và Truyền thông.
Sau bưởi gây ung thư, nông dân Việt Nam còn liên tục “đứng tim” trước hàng loạt tin đồn về “gạo giả, xoài giả, lợn bị dịch tả Châu Phi bị đào lên bán…”.
Bên cạnh những luồng thông tin chung chung về một mặt hàng, ngành nghề, có những doanh nghiệp còn là nạn nhân trực tiếp của những lời đồn “điểm mặt chỉ tên”. Năm 2016, mạng xã hội bất ngờ xuất hiện “tin chấn động” về một vụ ngộ độc nghiêm trọng xảy ra tại Tuyên Quang với “15 em học sinh uống nước ngọt Sting”, trong đó có cả “trường hợp tử vong”, mẩu tin còn đính kèm hình ảnh trẻ em ngộ độc trong bệnh viện. Thông tin thất thiệt khiến Pepsi Việt Nam phải khá vất vả trong việc phối hợp cơ quan chức năng kiểm chứng, xác minh và yêu cầu Facebook can thiệp gỡ bỏ sau nhiều thủ tục rườm rà.
Ví dụ về Pepsi chỉ là một trong số rất nhiều thương hiệu lớn nhỏ phải gánh phiền phức vì những tin đồn từ trên trời rơi xuống. Sự tấn công các doanh nghiệp bằng tin giả diễn ra ở nhiều hình thức khác nhau. Có khi là nghi vấn về an toàn, chất lượng, thậm chí là bịa đặt hậu quả về sự nguy hiểm của sản phẩm. Có những doanh nghiệp lại bị những kẻ ẩn danh lập Fanpage giả mạo thương hiệu, tung tin đồn tặng quà, trúng thưởng, khuyến mãi ồ ạt, từ Toyota tặng xe sang đến Adidas tặng hàng nghìn chiếc giày hiệu, mới đây, một “post” đưa tin thương hiệu máy tính HP tặng miễn phí 3000 laptop cho người dùng với điều kiện chỉ cần comment chữ “LAPTOP” bên dưới post, cũng có tới gần 45.000 lượt chia sẻ sau chưa đầy 24 giờ.
Việc tấn công doanh nghiệp có khi diễn ra tinh vi ở việc nguỵ tạo những phát ngôn, thêu dệt tin đồn về các nhân sự có tầm ảnh hưởng. Chính Bà Lê Diệp Kiều Trang - Cựu Giám đốc Facebook Việt Nam cũng từng bị bịa đặt gán ghép phát biểu giữa thời điểm căng thẳng của một số sự kiện chính trị xã hội.
Đứng sau nguồn phát tán tin giả gây hại cho doanh nghiệp có thể là một hiểu lầm vô ý từ người tiêu dùng, có thể là một kế hoạch kiếm tiền dựa trên lượt view, hoặc cũng có khi là một âm mưu hạ bệ đối thủ… Một kế hoạch truyền thông chủ động, minh bạch, một hệ thống thông tin chính thống từ doanh nghiệp chính là kênh dự phòng tốt nhất trong việc ứng phó với nguy cơ khủng hoảng này trong thời đại số.
* Theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP “về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” vừa được Chính phủ ban hành ngày 3/2/2020, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống… bị quy định mức phạt tiền 10 - 20 triệu đồng. |
Thực hiện: Nhân Huỳnh