Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trước kịch bản khủng hoảng năng lượng

Nhập siêu tất cả nguồn năng lượng sơ cấp – Việt Nam đứng trước yêu cầu sống còn phải chuyển đổi năng lượng

Trên thế giới, một trong những xung đột ngầm chi phối kinh tế chính trị thế giới mạnh mẽ nhất chính là câu chuyện xoay quanh tài nguyên năng lượng. Tại Việt Nam, hầu hết các nguồn thủy điện lớn có hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao đều đã được khai thác. Các nguồn tài nguyên hóa thạch như than đá và dầu khí trong nước cũng cạn kiệt. Điều kiện khai thác ngày càng khó khăn. Nguồn trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều phải xuống sâu dưới 500m, chi phí đầu tư và giá thành tăng. Một số vỉa, mỏ dầu khí khai thác được trong những năm vừa qua đang có dấu hiệu cạn kiệt, sự cạnh tranh quốc tế và cạnh tranh trong chính trị liên quan đến lĩnh vực dầu khí ngày càng gay gắt.

Theo dự thảo Tổng sơ đồ 8 (TSĐ8), nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ tăng gấp 2 lần trong khoảng thời gian từ nay tới 2030 và gấp 4 lần vào năm 2045. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng năng lượng trong bối cảnh trên, Việt Nam đã phải nhập siêu tất cả các loại năng lượng sơ cấp chủ yếu (than đá, dầu thô, xăng dầu và khí hóa lỏng) từ 2018. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan cho thấy lượng than đá nhập khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn gần đây từ khoảng 6,9 triệu tấn (năm 2015) lên hơn 52,7 triệu tấn (tính đến năm 15/12/2020 – giá trị sơ bộ), tăng hơn 7.6 lần trong 6 năm và sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước khi các nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng đưa vào vận hành.

Hình 1: Tình hình xuất nhập khẩu năng lượng sơ cấp của Việt Nam từ 2013

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu – COP21, Việt Nam cam kết giảm phát thải không điều kiện 8% vào năm 2020 so với kịch bản phát triển thông thường và giảm phát thải tới 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế từ các hợp tác song phương. Bên cạnh đó, theo Nghị Quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Ngoài ra, giá thành xây dựng của các dự án điện gió và điện mặt trời giảm sâu trong những năm gần đây. Đây là những tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam từ nguồn năng lượng chủ yếu dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng ít phát thải, thân thiện với môi trường, đồng thời góp phần giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng và góp phần nâng cao ổn định an ninh năng lượng quốc gia.

So sánh với tỷ trọng nguồn điện của Tổng sơ đồ 7 điều chỉnh (TSĐ7ĐC), Chương trình phát triển nguồn lựa chọn theo dự thảo Quy hoạch điện VII đã có nhiều thay đổi theo hướng giảm phát thải. Theo đó, nhà máy điện than xây mới đến 2030 (theo TSĐ8) giảm 17GW so với TSĐ7ĐC, nhiệt điện khí tăng 7GW và năng lượng tái tạo (NLTT) (ngoài thủy điện) tăng 20GW để bù cho việc giảm công suất điện than xây mới. Đây là những tín hiệu tốt về chuyển đổi năng lượng của Việt Nam sang sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, để đáp ứng kịch bản này, hàng năm phải xây dựng thêm 3,3GW nguồn NLTT từ đây đến 2030.

Hình 2: So sánh thay đổi cơ cấu nguồn điện của TSĐ7ĐC và TSĐ8 (bản dự thảo) đến 2030

Để hỗ trợ Chính phủ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Philipines, các nhà tài trợ công và các quỹ tư nhân đã công bố khởi động một liên minh đối tác mới vì sự chuyển tiếp năng lượng ở khu vực Đông Nam Á (ETP - Energy Transition Partnership).

Tại Diễn đàn Kinh doanh Năng lượng ASEAN năm 2020 - ASEAN Energy Business Forum, ETP bước vào giai đoạn triển khai đầu tiên với thời hạn 5 năm bằng việc tài trợ cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thông qua một quỹ 50 triệu USD dưới sự giám sát của Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên hiệp quốc (UNOPS), là cơ quan sẽ đảm nhiệm vai trò thư ký của sáng kiến này. Một nhóm cố vấn kỹ thuật sẽ được hình thành trong những tháng tới trong đó có sự kết hợp giữa năng lực tư vấn quốc tế và đại diện của các quốc gia để có sự cố vấn khuyến nghị cho liên minh đối tác này trong hoạt động kỹ thuật. Đây là một thông tin đáng mừng cho nỗ lực chuyển đổi năng lượng của khu vực.

Hình 3: Suất đầu tư trung bình của dự án điện mặt trời và điện gió từ 2010 đến 2019 (Nguồn: IRENA)

Giá thành đầu tư xây dựng các dự án năng lượng mặt trời và điện gió giảm trong những năm gần đây cũng cũng là động lực lớn cho việc chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Chiến lược sử dụng năng lượng sạch để phát điện đã được cụ thể trong dự thảo TSĐ8 và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế hy vọng sẽ góp phần cho việc chuyển đổi năng lượng thành công.

Các thách thức trong quá trình chuyển đổi

Chính sách đã mở, nhưng việc chuyển đổi năng lượng đầy thách thức. Đầu tiên, tham vọng chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch hơn của các nước Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam có khả năng bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường do đại dịch Covid-19.

Sự sụp đổ giá dầu và giá than làm suy yếu nỗ lực hỗ trợ cho năng lượng tái tạo tại hầu hết các nước, ít nhất là trong ngắn hạn, do các chính phủ còn nhiều vấn đề khác cần cân nhắc, giải quyết. Chính phủ các nước sẽ có ít khả năng cung cấp nguồn tài chính trực tiếp hỗ trợ, các chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo sẽ bị gián đoạn. Hệ quả tất yếu là sự chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo có thể phải trì hoãn một vài năm tại không ít quốc gia.[2]

Hầu hết các thiết bị của các nhà máy điện gió và điện mặt trời như các tấm pin, inverter, tua bin gió, cánh quạt… đều phải nhập khẩu từ nước ngoài và tỉ lệ nội địa thấp dẫn đến cần phải có nguồn ngoại tệ mạnh để nhập khẩu thiết bị năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có chính sách phát triển năng lượng gió và năng lượng tái tạo trong dài hạn. Việc này sẽ dẫn đến tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, đầu tư không đồng bộ giữa nguồn và lưới tại một số khu vực dẫn đến phải cắt giảm công suất của các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là các điểm trừ trong việc phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.

Giải pháp nào cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam

Mô hình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc có thể là một mô hình đáng để Việt Nam cân nhắc tham khảo, bao gồm sự phối hợp giữa chính sách vĩ mô của chính phủ, sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc nội địa hóa các thiết bị ngành năng lượng sạch nhằm giảm giá thành sản xuất để cạnh tranh được với các loại hình năng lượng hóa thạch nhiều phát thải.

Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phát triển năng lượng sạch trong dài hạn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Đồng thời, Chính phủ cần tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, như ETP, để hỗ trợ việc chuyển đổi năng lượng.

Song song với việc chuyển đổi năng lượng, Chính phủ cần có các chính sách phù hợp để khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đảm bảo tính bền vững của năng lượng quốc gia.

Vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều trong việc đánh giá “độ sạch” giữa các nguồn nhiên liệu khác nhau [4]. Nhưng quá trình chuyển đổi từ các nguồn năng lượng phát thải nhiều khí nhà kính sang loại nhiên liệu ít phát thải là điều tất yếu đối với Việt Nam cũng như các nước khác trong bối cảnh hiện nay. Việc chuyển đổi năng lượng còn có ý nghĩa tích cực với Việt Nam trong việc chủ động cung cấp năng lượng sơ cấp cho quốc gia, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng sơ cấp vốn đã tăng rất nhanh trong giai đoạn vừa qua, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và khai thác hiệu quả tài nguyên của quốc gia.

Đôi nét về ETP: ETP được khởi xướng tại Hội nghị thượng đỉnh One Planet vào năm 2018 bởi Quỹ đầu tư cho trẻ em – CIFF (Children's Investment Fund Foundation), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An ninh Năng lượng Nguyên tử Liên bang Đức (BMU) và Tổ chức High Tide Foundation cũng như một số đối tác khác như Chính phủ Canada, Bộ Thương mại, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh (BEIS), Tổ chức Bloomberg...

Mục tiêu của liên minh này là đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á phù hợp với Thỏa thuận Paris. Bước đầu, liên minh đối tác này sẽ tập trung hoạt động ở Indonesia, Việt Nam và Philippines - những quốc gia có mức tiêu thụ than lớn. ETP mong muốn thiết lập những mối quan hệ đối tác với các Chính phủ và các cấp có thẩm quyền quyết định nhằm đưa tiềm năng chưa được khai thác về năng lượng tái tạo vào cơ cấu năng lượng của vùng Đông Nam Á. ETP cũng sẽ nỗ lực khuyến khích các biện pháp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, gắn với sự chuyển tiếp năng lượng bền vững và công bằng.

Thực hiện: Lê Thanh Nghị

Nguồn tham khảo:

Chia sẻ: