Giúp nhân viên tìm được ý nghĩa trong công việc – hoặc để họ ra đi

Nguồn: Internet

Hiểu được mục đích làm việc

Mục đích cá nhân có thể được coi là một ý thức lâu dài, bao quát về những gì quan trọng trong cuộc sống mỗi người; mọi người trải nghiệm cảm giác có mục đích khi họ phấn đấu hướng đến điều gì đó quan trọng và có ý nghĩa đối với họ. Thực tế có một vài kiểu mẫu giúp nhà lãnh đạo phân loại những điều mọi người thấy có ý nghĩa, nhưng cuối cùng khái niệm mục đích lại rất đa dạng. Kết quả là mặc dù các công ty và nhà lãnh đạo có thể có ảnh hưởng lớn đến mục đích cá nhân của nhân viên, nhưng họ lại có quyền kiểm soát trực tiếp hạn chế đối với các mục đích đó. Vì vậy, công ty cần hiểu rõ về nhân viên để giúp họ tối ưu hóa cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn với công việc.

Để hiểu rõ hơn về cách thực hiện điều này, hãy xem xét mối liên hệ giữa mục đích của một cá nhân và công việc của họ, như được mô tả bởi ba vòng tròn trong Hình 1. Mục đích của một người có thể là duy nhất, nhưng một phần của nó - dù lớn hay nhỏ - đều đến từ các tác động ngoài công việc, cũng như một phần nào đó đến từ chính công việc hàng ngày. Những điều này tương ứng với các vòng tròn ngoài cùng và giữa và chúng thay đổi theo tỷ lệ khác nhau ở từng người.

Hình 1. Mối quan hệ giữa mục đích cá nhân và công việc

Nếu một nhân viên đạt được rất ít mục đích từ công việc của họ, kích thước của vòng tròn ở giữa sẽ nhỏ hơn. Ngược lại, nếu một người khác thấy công việc của họ rất có mục đích, nó sẽ lớn hơn. Vòng trong cùng (mục đích của công ty) mô tả phương tiện ảnh hưởng của công ty; đó là khía cạnh mục đích duy nhất mà các tổ chức kiểm soát được. Kích thước của vòng tròn ở giữa biểu hiện tỷ lệ mục tiêu của một người mà công việc có thể tiếp cận - cũng như mục đích mà nhân viên muốn từ công việc của họ - và phần đó có thể phát triển hoặc thu nhỏ. Chủ doanh nghiệp nên xem vòng tròn trung gian này như một mục tiêu mà họ cố gắng hiểu và đáp ứng, cũng như tác động để mở rộng vòng tròn này nếu có thể.

Nhân viên muốn gì - và họ nhận được gì ?

Rất có thể nhân viên muốn đạt được nhiều mục đích làm việc hơn những gì họ đang có. Thật vậy, 89% người trả lời khảo sát nói rằng họ muốn có mục đích trong cuộc sống của mình và 70% nhân viên tham gia khảo sát tin rằng ý thức về mục đích của họ phần lớn được xác định bởi công việc. Điều này báo hiệu một cơ hội rõ ràng để khuyến khích nhân viên ở tất cả các cấp phát triển và sống theo mục đích của họ trong công việc.

Tuy nhiên, khi khảo sát ý kiến mọi người có đang sống theo mục đích trong công việc hàng ngày hay không, khoảng cách giữa giám đốc điều hành và những người khác ngày càng tăng lên. Trong khi 85% giám đốc điều hành và quản lý cấp cao nói rằng họ đang sống với mục đích của mình trong công việc, thì chỉ có 15% quản lý cấp trung và nhân viên trả lời “đồng ý”. Tệ hơn nữa, gần một nửa số nhân viên này “không đồng ý”, so với chỉ một số ít các giám đốc điều hành và quản lý cấp cao (Hình 2).

Nguồn: Khảo sát mục đích sống cá nhân của McKinsey tháng 8/2020 (n = 1.021)

Hình 2. Tỷ lệ phần trăm khảo sát mục đích sống trong công việc hàng ngày

Doanh nghiệp nên làm gì ?

Những lựa chọn mà các nhà lãnh đạo và quản lý công ty đưa ra là yếu tố giúp nhân viên đạt được mục đích trong công việc. Dưới đây là ba gợi ý có thể tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của đồng nghiệp và hiệu quả hoạt động của công ty:

1. Bắt đầu với mục đích của công ty

Có vẻ trái ngược khi nhìn vào mục đích của công ty trước tiên với hy vọng hỗ trợ mục đích sống của nhân viên, nhưng đây là phần duy nhất doanh nghiệp có thể kiểm soát trực tiếp được. Một số công ty sử dụng thẻ điểm nội bộ để theo dõi cam kết của các nhà lãnh đạo, nhân viên và các bên liên quan khác đối với mục đích của công ty. Đo lường thường xuyên giúp các nhà lãnh đạo phát hiện sớm các vấn đề và thực hiện hành động thích hợp.

2. Phản ánh, kết nối, lặp lại

Những người trả lời khảo sát có cơ hội phản ánh mối liên hệ giữa ý nghĩa trong công việc và mục đích của công ty có khả năng hoàn thành công việc cao hơn gần ba lần so với những người khác. Hãy biến điều này thành một thói quen trong công ty. Những người trong cuộc khảo sát mà người quản lý không cho họ cơ hội để suy nghĩ về mục đích chỉ có 7% cơ hội đáp ứng mục đích của họ trong công việc.

3. Giúp mọi người sống có mục đích trong công việc

63% số người tham gia khảo sát cho biết họ muốn lãnh đạo của họ cung cấp nhiều cơ hội hơn để tạo ra mục đích trong công việc hàng ngày. Điểm khởi đầu nên là những cơ hội giúp nhân viên tìm thấy ý nghĩa cá nhân trong công việc hàng ngày của họ. Khi công việc phù hợp với mục đích riêng của công ty, cảm giác thỏa mãn đó cuối cùng cũng sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Đại dịch Covid-19 đang diễn ra khiến mọi người ở khắp nơi đánh giá lại cuộc sống và công việc của họ và nhiều người giờ đây mong muốn công việc của mình trở thành mục đích quan trọng trong cuộc sống. Các nhà quản lý dù sẵn sàng hay không cũng sẽ phải đáp ứng nhu cầu này, hoặc chuẩn bị để mất nhân tài vào tay những công ty sẽ làm điều đó. Lợi ích của việc thực hiện đúng mục đích cá nhân là rất đáng giá, bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhân viên mà còn liên quan đến hiệu quả hoạt động của công ty.

Lược dịch: Bình Minh

Nguồn tham khảo:

McKinsey & Company . 05/4/2021.Help your employees find purpose—or watch them leave .https://www.mckinsey.com/business-functions/organization/our-insights/help-your-employees-find-purpose-or-watch-them-leave

Chia sẻ: