Trên cơ sở hai mục tiêu cụ thể nêu trong Quyết định “Phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016 (QHĐ VII điều chỉnh): Một là, điện sản xuất và nhập khẩu (năm 2020: khoảng 265-278 tỷ kWh và năm 2030: khoảng 572-632 tỷ kWh tỷ kWh) thấp hơn so với QHĐ VII (năm 2020: khoảng 330-362 tỷ kWh và năm 2030: khoảng 695-834 tỷ kWh). Hai là, phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện tăng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, không kể thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng (năm 2020 đạt khoảng 7% và năm 2030 đạt trên 10%) cao hơn QHĐ VII (năm 2020: 4,5% và năm 2030: 6%); từ đó xác định quy hoạch phát triển các loại nguồn điện, đặc biệt quan tâm đến giảm thiểu nguồn nhiệt điện than.
Dưới đây là tổng kết về các dự án nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam tính đến năm 2030 sau khi có QHĐ VII điều chỉnh.
Các nhà máy nhiệt điện đã đưa vào vận hành
Tổng số dự án NMNĐ than đã đưa vào vận hành là 26 dự án, với tổng công suất 13.810 MW.
Trong đó: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 14 dự án, với tổng công suất 8.400MW, bao gồm các dự án NMNĐ: Ninh Bình (4x25MW), Uông Bí #5+6 (50+55MW), Uông Bí MR #1 (1x300), Uông Bí MR #2 (1x330), Phả Lại I (4x110MW), Phả Lại II (2x300MW), Hải Phòng I (2x300), Hải Phòng II (2x300MW), Quảng Ninh I (2x300MW), Quảng Ninh II (2x300MW), Nghi Sơn I (2x300MW), Vĩnh Tân II (2x600MW), Duyên Hải I (2x622,5MW) và Mông Dương I (2x540MW).
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) 7 dự án, tổng công suất 1.505MW, bao gồm các NMNĐ: Na Dương I (2x50MW), Cao Ngạn (2x57,5MW), Sơn Động (2x110MW), Cẩm Phả I (1x300MW), Cẩm Phả II (1x330MW), Mạo Khê (2x220MW) và Nông Sơn (1x30MW).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 1 dự án là Vũng Áng I (2x600MW=1200MW).
Các dự án IPP, BOT, 4 dự án, tổng công suất là 2.705MW, bao gồm: An Khánh I (2x57,5MW), chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiệt điện An Khánh; Formosa Đồng Nai #1,2,3 (3x150MW), chủ đầu tư là Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Nhơn Trạch; Formosa Hà Tĩnh #1,2,5,6,7,10 (6x150MW), chủ đầu tư là Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Mông Dương II (2x620MW), chủ đầu tư là AES/POSCO/CIC.
Ghi chú: Các dự án NMNĐ Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh, Mông Dương II tiếp tục xây dựng để đạt công suất cuối cùng.
Các dự án NMNĐ đã khởi công triển khai xây dựng
Tổng số dự án NMNĐ than đã tổ chức khởi công, triển khai xây dựng là 15 dự án, với tổng công suất 14.675MW.
Trong đó, EVN có 4 dự án, tổng công suất 3.705MW, bao gồm các dự án: Duyên Hải III (2x622,5MW), Vĩnh Tân IV (2x600MW), Duyên Hải III MR (1x660MW) và Thái Bình I (2x300MW).
TKV có 2 dự án, tổng công suất 1.310MW, bao gồm các dự án: Na Dương II (1x110MW) và Quỳnh Lập I (2x600MW).
PVN có 4 dự án, tổng công suất 4.800MW, bao gồm các dự án: Thái Bình II (2x600MW), Long Phú I (2x600MW), Sông Hậu I (2x600MW) và Quảng Trạch I (2x600MW).
Các dự án IPP, BOT 5 dự án, tổng công suất 4.860MW, bao gồm các dự án: Thăng Long (2x300MW), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Thăng Long; Công Thanh (1x660MW), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh; Vĩnh Tân I (2x600MW), chủ đầu tư là CSG-CPIH-TKV; Nghi Sơn II (2x600MW), chủ đầu tư là Marubeni - Kepco và Hải Dương (2x600MW), chủ đầu tư là JAKS Resources Bhd (Malaysia).
Các dự án đã xác định chủ đầu tư, đang thực hiện triển khai đầu tư
Tổng số dự án NMNĐ than đã xác định chủ đầu tư, đang thực hiện triển khai thực hiện đầu tư là 13 dự án, với tổng công suất 16.540MW.
Trong đó, EVN có 1 dự án là Vĩnh Tân IV MR (1x600MW).
PVN có 1 dự án là Long Phú III (3x600MW).
TKV có 2 dự án là Cẩm Phả III (2x220MW) và Hải Phòng III #1,2 (2x600MW).
Các dự án BOT, 9 dự án, tổng công suất 12.500MW, bao gồm các dự án: Nam Định I (2x600MW), chủ đầu tư là TaekWang - Acwa; Duyên Hải II (2x600MW), chủ đầu tư là Janakusa Malaysia; Long Phú II (2x600MW), chủ đầu tư là Tata Power Ấn Độ; Vũng Áng II (2x600MW), chủ đầu tư là VAPCO; Vĩnh Tân III (3x660MW), chủ đầu tư là VTEC; Sông Hậu II (2x1000MW), chủ đầu tư là Toyo Ink Malaysia; Vân Phong I (2x660MW), chủ đầu tư là Sumitomo Nhật Bản; Quảng Trị I (2x600MW), chủ đầu tư là EGATI Thái Lan; Vũng Áng III # 1,2 (2x600MW), chủ đầu tư là Samsung C&T Hà Quốc.
Các dự án NMNĐ nằm trong Quyết định phê duyệt Đề án điều chỉnh QHĐ VII chưa triển khai đầu tư
Trong số dự án NMNĐ than chưa triển khai đầu tư nằm trong Quyết định này là 10 dự án, tổng công suất là 11.300MW, bao gồm các dự án: Quỳnh Lập II (2x600MW), Long An I (2x600MW), Long An II (2x800MW), Quảng Trạch II (2x600MW), Tân Phước I (2x600MW), Tân Phước II* (2x600MW) Quảng Ninh III (2x600MW), Vũng Áng III* #3,4 (2x600MW), Bạc Liêu I* (2x600MW) và Lục Nam (2x500MW).
Ghi chú: 3 dự án NMNĐ đánh dấu * (Tân Phước II, Vũng Áng III #3,4, Bạc Liêu I) là các nhà máy dự phòng cho trường hợp các nguồn điện từ năng lượng tái tạo không đạt được tiến độ và quy mô công suất như kỳ vọng (27.000MW vào năm 2020).
Các dự án NMNĐ nằm trong QHĐ VII đã được loại bỏ
Tổng số các NMNĐ than nằm trong Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 2/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QHĐ VII và Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2020, đã loại bỏ là 17 dự án, với tổng công suất 26.2200MW, bao gồm các dự án: An Khánh II (2x150MW), Kiên Lương I (2x600MW), Kiên Lương II (2x600MW), Phú Thọ (2x300MW), Vân Phong II (2x660MW),
Hai Phòng III#3,4 (2x600MW), Nam Định II (2x600MW), Bắc Giang (2x300MW), Bình Định I (2x600MW), Kiên Lương III (2x1.000MW), Yên Hưng (2x600MW), Uông Bí III (2x600MW), Sông Hậu III (2x1.000MW), Bình Định II (2x1.000MW), An Giang (2x1.000MW), Nhà máy nhiệt điện than miền Bắc (2x1.000MW) và Nhà máy nhiệt điện than miền Nam (5x1.000MW).
Quyết định Phê duyệt QHĐ VII điều chỉnh đã đưa ra mục tiêu năm 2030 đạt được kịch bản cơ sở: Công suất nguồn điện và sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu của Hệ thống điện quốc gia là 129.500 MW và 572 tỷ kWh; trong đó nguồn nhiệt điện than đóng góp 55.167 MW, chiếm 42,6% về công suất và 304,304 tỷ kWh, chiếm 53,2% về điện năng.
Số liệu tổng kết về công suất các NMNĐ than vào năm 2030 là 56.325 MW trình bày ở trên có cao hơn 1.158 MW so với nêu trong Quyết định Phê duyệt QHĐ VII điều chỉnh có thể do Đề án QHĐ VII điều chỉnh đã không tính đến công suất của một số NMNĐ đã đưa vào vận hành cách đây 30~40 năm (Ninh Bình, Uông Bí # 5,6 , Phả Lại I…), công suất đặt tổ máy của NMNĐ đang và sẽ xây dựng đã lấy tròn số 50 MW, 100 MW, 300 MW, 600 MW thay vì lấy đúng theo thực tế 57,5 MW, 110 MW, 330 MW, 622,5 MW & 660 MW.
Vấn đề quan trọng cần quan tâm là thời gian qua trong quá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh QHĐ VII, nhiều tổ chức cơ quan tư vấn trong ngoài nước đã đề xuất giảm mạnh nguồn nhiệt điện than song với Quyết định 428/QĐ-TTg ban hành ngày 18/3/2016 vừa qua nhận thấy đến năm 2030 nguồn nhiệt điện than vẫn còn đóng vai trò quan trọng của Hệ thống điện quốc gia. Do đó muốn tiếp tục giảm thêm nguồn nhiệt điện than cần phát huy mọi khả năng mà trước tiên là thực hiện tốt các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhằm nâng cao hơn nữa tỷ trọng điện năng của nguồn năng lượng tái tạo mà QHĐ VII điều chỉnh đề ra đến năm 2030 mới chỉ dành được 10,7%. Nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2030 ở đây đã bao gồm thủy điện nhưng không kể thủy điện vừa và thủy điện tích năng (thủy điện nhỏ 3,2%, điện gió 2,1%, điện mặt trời 3,3% và điện từ sinh khối 2,1%).
Chú ý rằng mục tiêu phát triển của Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015) đã nêu rõ tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo năm 2030 đạt khoảng 186 tỷ kWh và năm 2050 đạt khoảng 452 tỷ kWh, chiếm tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc năm 2030 là 32% và 2050 là 43%.
Nguồn: nangluongvietnam.vn