Đoàn Chủ tịch Diễn đàn Atomex Asia 2014.
Diễn đàn Atomex Asia 2014 tập trung tọa đàm xoay quanh các nội dung: triển vọng phát triển của năng lượng hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á, công nghệ và hệ thống an toàn của lò phản ứng hạt nhân Nga, yêu cầu đối với các nhà thầu và khả năng nội địa hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân, đào tạo cán bộ, xây dựng nhận thức công chúng.
Tham dự Diễn đàn có các đại diện đến từ Hiệp Hội Hạt Nhân Thế Giới (WNA), Cục An Toàn Bức Xạ và Hạt Nhân, Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam, Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam LILAMA, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2, các doanh nghiệp đến từ Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Lào và các doanh nghiệp đầu ngành của Rosatom như: Atomenergomash, Atomproekt, Trung tâm Thông tin Năng lượng Hạt nhân, NIAEP-ASE (Atomstroyexport), Viện Giáo dục Thường xuyên Rosatom, Rusatom Overseas và Công ty nhiên liệu hạt nhân TVEL.
Toàn cảnh sự kiện Atomex Asia 2014
Quan hệ hữu nghị Việt – Nga trong lĩnh vực hạt nhân đã được bắt đầu từ những năm 70 qua các chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghiệp hạt nhân, và Dự án tái tạo lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt. Đến năm 2010, hai nước đã ký thỏa thuận liên chính phủ về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam với hai lò phản ứng. Và tháng 11/2011, Nga đã ký Hợp đồng tư vấn xây dựng đề án, Chính phủ Việt Nam phê duyệt về địa điểm và nghiên cứu khả thi cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, do EVN làm chủ đầu tư, là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2012 có xét đến năm 2013 (Tổng sơ đồ VII).
Trong giai đoạn lựa chọn địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, phía Nga đã mời các đơn vị Tư vấn hàng đầu của Việt Nam tham gia thực hiện khảo sát, trong đó PECC2 được giao trọng trách Tổng thầu khảo sát trong nước. Dự án đã được khởi công khảo sát vào tháng 12/2011 tại Thôn Vĩnh Trường, Xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Nhà thầu khảo sát EPT (Nga), PECC2, Xí nghiệp Khảo sát Tổng hợp miền Nam SGIE, và các đơn vị khảo sát đã tiến hành khảo sát toàn diện khu vực địa điểm đặt Nhà máy: đo vẽ bản đồ địa hình, khảo sát địa chất, khí tượng - thủy văn-cao không, khảo sát môi trường, xây dựng và quan trắc lưới mốc địa động lực, thực hiện thí nghiệm địa vật lý, địa chấn, đánh giá động đất, sóng thần…theo yêu cầu rất cao của dự án Điện hạt nhân. Hiện nay, Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) đã bàn giao Báo cáo khảo sát cho chủ đầu tư (EVN). Sau khi được thẩm định và phê duyệt, Rosatom sẽ tiến hành các bước tiếp theo của Dự án. Tập đoàn Rosatom (Nga) mong muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Ông Nikolay Drozdov (Giám đốc Khối Phát triển quốc tế của Rosatom - Tổng thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1) cho biết, sẽ ưu tiên sử dụng tối đa các nhà thầu phụ Việt Nam cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đặc biệt các đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng nhiệt điện, thủy điện, các công trình cầu cảng có quy mô lớn. Đồng thời, nếu chủ đầu tư EVN ký hợp đồng cung ứng nhiên liệu và nhiên liệu đã qua sử dụng lâu dài với Rosatom thì nhiên liệu đã qua sử dụng sẽ được thu hồi về Nga.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Atomex Asia 2014, chương trình triển lãm về công nghiệp hạt nhân cũng đã được tổ chức song song. Với hơn 30 năm kinh nghiệm thực hiện các dự án năng lượng lớn nhỏ trên khắp cả nước và đặc biệt là tổng thầu trong nước khảo sát lựa chọn địa điểm NM ĐHN Ninh Thuận 1, đồng thời là nhà thầu khảo sát NM ĐHN Ninh Thuận 2, Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 đã vinh dự được Atomstroyexport mời tổ chức một gian giới thiệu PECC2 tại Diễn đàn để trực tiếp giới thiệu năng lực tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và phát triển quan hệ hợp tác với các công ty, nhà cung cấp ngành công nghiệp hạt nhân và khách mời của Diễn đàn Atomex Asia 2014.
Gian triển lãm của PECC2 trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Atomex 2014 đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị trong và ngoài nước:
Diễn đàn các nhà cung ứng công nghiệp hạt nhân Atomex là một chuỗi các sự kiện thường niên tổ chức bởi Rosatom từ năm 2011 với mục đích tạo điều kiện cho các nhà cung ứng hạt nhân trên khắp thế giới đối thoại và hợp tác với nhau. Trước Atomex Asia 2014, Rosatom đã tổ chức các sự kiện tương tự tại Belarus, CH Séc, Nga và Nam Phi, thắt chặt hơn mối quan hệ với các doanh nghiệp địa phương. Rosatom đã có những hoạt động nổi bật tại nhiều quốc gia trên thế giới, hiện đang dẫn đầu thế giới về số lượng các lò phản ứng được xây dựng ở nước ngoài (21 lò), con số dự kiến sẽ tăng lên 80 trong 15 năm tới. Diễn đàn đã thu hút được nhiều bài phát biểu, bài tham luận, và cả những chất vấn thẳng thắn, giúp cho các cơ quan hạt nhân của Nga và Việt Nam có thêm nhiều thông tin bổ ích cho quá trình phát triển ngành điện hạt nhân tại Việt Nam. Để biết thêm thông tin về Atomex Asia 2014, vui lòng xem tại website chính thức: www.nppsupply.com |
Rosatom bao gồm hơn 350 doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu, như các công ty năng lượng hạt nhân dân dụng và quân sự tại Nga, các tổ chức nghiên cứu khoa học và hạm đội tàu phá băng hạt nhân của thế giới. Rosatom là đơn vị đi đầu trên thị trường công nghệ hạt nhân toàn cầu, nắm giữ vị trí số 1 về số lượng các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở nước ngoài, vị trí số 2 về dự trữ uranium, vị trí thứ 3 về sản xuất urabium. Trữ lượng uranium trong và ngoài nước, đặc biệt là Kazakhstan, sẽ cung cấp cho các dự án trong nước và quốc tế của Rosatomtrong vòng 100 năm nữa. Rosatom hiện cung cấp 40% dịch vụ làm giàu uranium toàn cầu, chiếm 17% thị phần nhiên liệu hạt nhân, cung cấp nhiên liệu cho 76 lò phản ứng tại 15 quốc gia. Hiện nay, Rosatom đang xây dựng 09 lò phản ứng tại Nga và 21 lò phản ứng tại nước ngoài. Tổng cộng có 38 lò phản ứng dựa trên công nghệ Nga đang vận hành trên toàn cầu. |
Sau đây là một số hình ảnh trong 2 ngày Diễn đàn Atomex Asia 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Nikolay Drozdov, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Tập đoàn Rosatom trình bày tham luận “Triển vọng hợp tác giữa Nga và các quốc gia Đông Nam Á”
TS. Hoàng Anh Tuấn (Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VAEA) và ông Anatoly Borovik (Trưởng Lãnh sự quán Nga tại Hồ Chí Minh) cùng đặt câu hỏi với hội thảo
Ông András Cserhati, Chuyên gia cao cấp, MVM (Hungary, một trong những quốc gia đang phát triển điện hạt nhân). Trong phiên cuối, ông có bài tham luận: Nhận thức cộng đồng và tiện ích xã hội của việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân: Ví dụ từ nhà máy điện hạt nhân Paks (Hungary)
Bà Oxana Wolf, Phó giám đốc dự án Việt Nam, Ban phụ trách dự án hạt nhân Trung Quốc và Việt Nam, Công ty CP NIAEP, Báo cáo tổng quan về việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1
Bà Trần Thị Trang, Cục phó Cục An toàn bức xạ & hạt nhân (VARANS), trình bày về Vai trò của cơ quan pháp quy trong quản lý an toàn đối với dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Ông Lê Tuấn Phong (Phó tổng cục trưởng tổng cục năng lượng Việt Nam) tham quan các gian triển lãm của Atomex Asia 2014
Ông Nguyễn Cường Lâm (áo trắng – giữa), (Phó tổng giám đốc EVN, trưởng ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuân cùng đối tác Rosatom và PECC2 trao đổi công việc tại gian triển lãm của PECC2
Điện hạt nhân là ngành công nghệ mới thu hút nhiều sinh viên đến tìm hiểu
Tin bài: Xuân Nghĩa - Huy Thành
Ảnh: Xuân Nghĩa