Thống nhất lại các ngành nghề kỹ sư thiết kế, quản lý dự án trong PECC2
Sau quá trình làm việc và phối hợp giữa Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển cùng Lãnh đạo các Trung tâm tư vấn thiết kế, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty - Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng Bộ TCNL, danh mục các ngành nghề kỹ sư thiết kế, quản lý dự án và đầu tư xây dựng trong PECC2 đã được thống nhất, với 8 nghề cụ thể: (1) Kỹ thuật cơ khí; (2) Kỹ thuật điện; (3) Kỹ thuật điều khiển – tự động hóa; (4) Kỹ thuật xây dựng; (5) Kỹ thuật công trình thủy; (6) Kiến trúc công trình; (7) Kỹ thuật hóa học và (8) Kỹ thuật môi trường.
Mỗi ngành nghề kể trên bao gồm các vị trí kỹ sư tương ứng. Từng vị trí kỹ sư được quy định các bậc trình độ năng lực cụ thể về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà các kỹ sư cần phải đáp ứng khi hành nghề. Dựa vào các nguyên tắc trên, Bộ tiêu chuẩn năng lực được xây dựng với 3 thành phần chính:
(1) Khung năng lực cơ bản của kỹ sư PECC2: Là nền tảng chung về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp mà tất cả các nhân sự hành nghề kỹ sư trong PECC2 cần phải đáp ứng;
(2) Tiêu chuẩn năng lực kỹ sư PECC2 theo nghề: Quy định cụ thể các kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần có đối với từng nghề kỹ sư theo từng bậc trình độ tương ứng;
(3) Từ điển năng lực: Là tập hợp các năng lực được chuẩn hóa và áp dụng cho các kỹ sư tại PECC2, đảm bảo phù hợp với giá trị cốt lõi, văn hóa và đặc thù tính chất công việc. Tại đây, các năng lực được mô tả và diễn giải chi tiết theo 5 bậc từ thấp đến cao: Nhận thức – Cơ bản – Vững chắc – Thành thạo – Xuất sắc.
Từ điển năng lực được xây dựng dựa trên 3 nhóm chính:
Kiến thức, chuyên môn; Kỹ năng nghề nghiệp; Thái độ, phẩm chất
Tiêu chuẩn năng lực kỹ sư - Kim chỉ nam phát triển nguồn nhân lực
Năng lực của một tổ chức được tạo nên từ năng lực của từng cá nhân trong tổ chức đó. Do đó, việc củng cố và nâng cao năng lực kỹ sư PECC2 là chiến lược để củng cố vị thế của PECC2 trong lĩnh vực tư vấn, quản lý dự án và đầu tư xây dựng các công trình năng lượng. Phù hợp với nhận thức đó, Bộ TCNL ra đời, là kim chỉ nam để hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực PECC2.
Nguồn: Internet
Đối với các kỹ sư đang làm việc tại PECC2, Bộ TCNL cung cấp hướng dẫn cụ thể về các kiến thức, kỹ năng, thái độ mà người làm kỹ sư cần học hỏi. Qua đó, giúp các kỹ sư nhận biết được “vị trí” hiện tại của mình trong ngành nghề mình đã chọn, từ đó xây dựng và thực hiện lộ trình phát triển bản thân ở PECC2 một cách phù hợp.
Đối với các kỹ sư đăng ký tuyển dụng vào PECC2, Bộ TCNL là cơ sở để đánh giá năng lực và sắp xếp vị trí phù hợp để tận dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả.
Ngoài ra, trong công tác đào tạo, Bộ TCNL hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo có hệ thống và thường xuyên trong PECC2, nhằm tạo điều kiện để các kỹ sư không ngừng nâng cao trình độ và năng lực của mình.
Bên cạnh đó, Bộ TCNL còn là căn cứ để các nhà quản trị đánh giá hiệu quả công việc cũng như xem xét đề bạt, bổ nhiệm vị trí phù hợp cho các kỹ sư PECC2.
Kỹ sư thời nay không chỉ giỏi chuyên môn là đủ. Để không đi sau thời cuộc, các kỹ sư cần không ngừng học tập và trau dồi năng lực để có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường hành nghề. Lãnh đạo PECC2 kỳ vọng Bộ TCNL sẽ là hành trang hữu ích đối với mỗi kỹ sư trên con đường tìm kiếm thành công của mình.
Thực hiện: Nhi Đỗ