Cuộc chơi tỷ đô với LNG, cơ hội nào cho Việt Nam?

Châu Á - điểm đến tiêu thụ chính của dòng chảy LNG thế giới

LNG hiện được mua bán phổ biến trên thị trường quốc tế và trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Cụ thể, lượng giao dịch LNG toàn cầu năm 2019 đã tăng một khoảng 40,9 triệu tấn (tương ứng 13%) so với 2018, nâng tổng khối lượng lên 354,7 triệu tấn trong năm 2019(2).

Biểu đồ các tuyến mua bán LNG giữa 10 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu và nhập khẩu LNG trong năm 2019 (Nguồn: IGU)

Phần lớn sản lượng xuất khẩu tăng thêm của LNG trong năm 2019 là từ các thị trường sẵn có: Mỹ (+13,1 triệu tấn), Nga (+11 triệu tấn) và Australia (+8,7 triệu tấn). Qatar tiếp tục là quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, dẫn đầu thị trường với sản lượng 77,8 triệu tấn (chiếm thị phần 22%). Australia vẫn giữ vị trí thứ hai với 75,4 triệu tấn (thị phần 21%). Mỹ (33,8 triệu tấn) và Nga (29,3 triệu tấn) đã vượt qua Malaysia để vươn lên vị trí thứ ba và thứ tư trong thị trường xuất khẩu LNG(2).

Thị trường xuất khẩu LNG năm 2019 (Nguồn: GIIGNL)

Trong năm 2019, Châu Á vẫn là điểm đến chính của các tuyến cung cấp LNG với sản lượng tiêu thụ lớn nhất: 246,2 triệu tấn, chiếm thị phần hơn 69% toàn cầu. Nhật Bản tiếp tục là quốc gia dẫn đầu nhập khẩu LNG với 76,9 triệu tấn (22%). Theo sau là Trung Quốc và Hàn Quốc với sản lượng tiêu thụ lần lượt là 61,7 triệu tấn (17%) và 40,1 triệu tấn (11%) trong năm(2).

Thị trường nhập khẩu LNG năm 2019 (Nguồn: GIIGNL)

Biến động giá thành LNG

Trong giai đoạn mười năm trở lại đây, giá bán LNG có nhiều biến động theo tình hình cung cầu trên thị trường. Từ cuối 2011 đến đầu 2014, LNG có giá bán tương đối cao, đã có thời điểm giá bán LNG trung bình thế giới lên tới 17,24$/MMBtu(3), do nhu cầu sử dụng trên thế giới tăng cao trong khi việc khai thác lại giảm. Và ngược lại, sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường sản xuất khí đốt trong năm 2019 lại khiến nguồn cung bị dư thừa trong khi nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Điều này khiến giá bán LNG thế giới hiện nay rơi xuống mức thấp kỷ lục dưới 2$/MMBtu(3).

Theo World Bank dự báo, giá LNG sẽ thay đổi trong vài năm tới. Cụ thể, giá LNG nhập khẩu ở Nhật Bản sẽ tăng từ 8,7$/triệu Btu (2020) lên 8,8$/triệu Btu (2023) và giảm về mức 8,5$/triệu Btu (2030)(4).

Bảng dự báo giá nhập khẩu LNG của Nhật Bản

Còn theo dự báo của McKinsey, giá LNG đến năm 2035 vào khoảng 7$/triệu Btu, trong đó, Mỹ sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung(5).

Giá LNG năm 2035 được dự báo khoảng 7$/triệu Btu (Nguồn: Energy Insights Gas Intelligence Model, LNG Cost Curve of the Present by Energy Insights)

Hạ tầng và phương thức vận chuyển LNG

Các cơ sở hạ tầng LNG chính bắt đầu từ nhà máy hóa lỏng khí thiên nhiên, cảng xuất khẩu LNG, tàu vận chuyển trên biển, cho đến cảng nhập khẩu LNG, các bồn chứa, hệ thống tái hóa khí LNG và đường ống dẫn khí đến nơi tiêu thụ cuối cùng.

Tại các cơ sở hóa lỏng, khí thiên nhiên được làm lạnh sâu đến -162 độ C, sau đó được chuyển vào bồn chứa hoặc bơm lên tàu chuyên chở để vận chuyển đến thị trường tiêu thụ bằng đường biển. Số lượng tàu chuyên chở LNG tăng liên tục theo từng năm. Tính đến năm 2019, trên thế giới có tổng cộng 541 tàu chuyên chở LNG (tăng 11% so với năm 2018) với tải trọng trung bình khoảng 170.000m3, thực hiện 5701 lượt vận chuyển đến các cảng nhập khẩu LNG ở nhiều quốc gia trên thế giới(2). Ngoài ra, LNG còn có thể được chuyên chở bằng xe bồn đến những điểm tiêu thụ cuối ở xa đường ống dẫn khí.

Còn theo dự báo của McKinsey, giá LNG đến năm 2035 vào khoảng 7$/triệu Btu, trong đó, Mỹ sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung(5).

Các phương tiện vận chuyển LNG (Nguồn: Internet)

Thị trường LNG Việt Nam đang trở nên sôi động

Nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, cũng như dự báo trước được sự thiếu hụt nguồn khí tại Nam Bộ trong tương lai, Việt Nam đang gấp rút thực hiện hàng loạt các dự án LNG lớn.

Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000-19.000 MW. Đồng thời, trong Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025, tăng lên 6 đến 10 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035. Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, các dự án điện khí LNG trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh ở nước ta gồm có:

  • Chuỗi dự án khí điện LNG Thị Vải – Nhơn Trạch bao gồm Dự án kho cảng nhập khẩu LNG Thị Vải (công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành năm 2022; giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2023) và Dự án nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 (tổng công suất khoảng 1500MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2022-2023).
  • Tổ hợp chuỗi dự án Nhiệt điện Sơn Mỹ bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1, 2 và 3 (Bình Thuận) có tổng công suất khoảng 4000MW. Dự kiến các nhà máy điện này sẽ đi vào vận hành vào các năm 2024-2027.
  • Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (Ninh Thuận) giai đoạn 1 công suất khoảng 1500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.
  • Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 công suất khoảng 1200-1500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.
  • Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với tổng công suất 3200MW, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2024-2027, trong đó, dự án giai đoạn 1 quy mô công suất 800MW đưa vào vận hành năm 2024-2025.

Đầu tư LNG tại Việt Nam: Thách thức tốn kém tỷ đô

Để thực hiện việc nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí, Việt Nam cần phải xây dựng các cơ sở hạ tầng chính gồm có cảng tiếp nhận LNG, bồn chứa LNG, cơ sở tái hóa khí LNG và các đường ống dẫn khí đến nhà máy điện để tiêu thụ.

Mô hình minh họa về tổ hợp dự án sử dụng LNG (Nguồn: wartsila.com)

Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất khi đầu tư LNG vì việc xây dựng các cơ sở hạ tầng kể trên đòi hỏi một chi phí rất cao. Chẳng hạn, ước tính tổng mức đầu tư kho chứa LNG Thị Vải giai đoạn 1 với công suất 1 triệu tấn/năm  là khoảng 285 triệu USD (6) và tổng mức đầu tư dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (công suất 1500MW) lên đến 1,4 tỷ USD(7).

Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các tiêu chuẩn và quy phạm trong nước liên quan đến các công trình công nghiệp sử dụng khí LNG cũng gây ra những khó khăn nhất định trong việc triển khai các dự án LNG. Việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy phạm về LNG là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào thị trường khí LNG Việt Nam, mở ra một ngành công nghiệp mới với nhiều hướng đi và cơ hội cho các doanh nghiệp.

 

Thực hiện: Yến Nhi

Nguồn tham khảo:

  1. Energy Factor By ExxonMobil. Jun.11, 2018. 6 Charts that explain why natural gas will be the fuel of the future. https://energyfactor.exxonmobil.asia/news/6-charts-explain-natural-gas-will-fuel-future/
  2. International Gas Union. 2020. 2020 World LNG Report.
  3. Bluegoldresearch. Regional LNG Prices (Monthly Average).https://bluegoldresearch.com/regional-lng-prices
  4. The World Bank. April 23, 2020. Commodity Markets Outlook.
  5. Energy Insights by McKinsey. 2019. Global Gas & LNG Outlook to 2035.
  6. Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas). 28/10/2019. Khởi công xây dựng công trình Kho chứa LNG Thị Vải.https://www.pvgas.com.vn/tin-tuc/khoi-cong-xay-dung-cong-trinh-kho-chua-lng-thi-vai
  7. Đầu tư online. 16/01/2020. PVPower tìm vốn cho dự án Nhơn Trạch 3 và 4, nghiên cứu làm kho cảng LNG. https://baodautu.vn/pvpower-tim-von-cho-du-an-nhon-trach-3-va-4-nghien-cuu-lam-kho-cang-lng-d114676.html
Chia sẻ: