Chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang được thúc đẩy bởi mệnh lệnh kép của thời đại khi vừa phải đáp ứng giới hạn độ tăng nhiệt độ toàn cầu vừa phải đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Trong bối cảnh đầy thách thức ấy, Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), với những ưu điểm vượt bậc nhờ vào khả năng bắt chước cách tư duy của con người và khả năng học từ dữ liệu để đưa ra nhận định, dự đoán được kỳ vọng sẽ phát triển thật rộng rãi trong tương lai.
Nhận thức được bước đi và những yêu cầu, đòi hỏi mới của thời đại, ngày 18/04/2023, tại Tòa nhà PECC2 Innovation Hub, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) đã tổ chức thành công Hội thảo với chủ đề: “Trí tuệ nhân tạo và Chuyển dịch năng lượng Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút được hơn 100 đại biểu tham dự đến từ các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đối tác, các trường Đại học, cùng nhiều tổ chức và công ty khác trên khắp cả nước.
Phát biểu khai mạc chương trình, Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó Tổng Giám đốc PECC2, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo - nhấn mạnh vai trò và giá trị của AI đối với quá trình chuyển đổi năng lượng trong nhiều lĩnh vực, điển hình như: thiết kế công trình năng lượng, thiết kế lưới điện, dự báo sản lượng ngắn hạn của các nguồn năng lượng tái tạo, dự báo phụ tải điện, tối ưu hóa hiệu suất phát điện, dự báo mất điện, v.v.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm những hạn chế về nguồn nhân lực cũng như những khó khăn trong công tác tiếp cận, trao đổi và chia sẻ thông tin cho việc phát triển AI tại Việt Nam. Là một đơn vị tư vấn hàng đầu trong ngành năng lượng, ông Nguyễn Trọng Nam cho biết, PECC2 nhận thức rất sâu sắc về chuyển dịch năng lượng cũng như đang rất nỗ lực để có những đóng góp ý nghĩa vào công cuộc chuyển dịch năng lượng này tại Việt Nam.
Mở đầu chương trình, toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo đã được xem qua 02 đoạn video ngắn do Ban tổ chức tổng hợp và thực hiện nhằm giới thiệu đến người tham dự các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong ngành điện Việt Nam cùng một số thông tin của PECC2 và các hoạt động phát triển năng lực số, trong đó bao gồm các hoạt động phát triển ứng dụng AI tại Công ty.
Xuyên suốt chương trình Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe các nội dung:
1 - “Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng và xu hướng phát triển” do PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình - Trưởng bộ môn Ứng dụng Tin học, Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM - trình bày.
2 - “Trí tuệ nhân tạo và chuyển dịch năng lượng từ góc nhìn dữ liệu” do GS. TSKH Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) - trình bày.
3 - “Phát triển trí tuệ nhân tạo phục vụ chuyển dịch năng lượng Việt Nam” do TS. Trần Huỳnh Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển PECC2 - trình bày.
4 - “Trách nhiệm pháp lý của các chủ thể tham gia ứng dụng AI - Thực trạng pháp luật Việt Nam và kinh nghiệm nước ngoài cho NN và DN” do TS. Nguyễn Thị Hoa - giảng viên tại Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật Tp.HCM - trình bày.
5 - Phần trình bày của Ông Eirik Eide Pettersen - Đồng sáng lập và là kỹ sư trưởng Công ty Seaborg - về công nghệ điện hạt nhân nổi mà Seaborg đang phát triển.
6 - “Luật quốc tế và một số quy định liên quan đến nhà máy điện hạt nhân nổi” do ThS. Lê Minh Nhựt - Giảng viên tại trường Đại học Luật TP.HCM - trình bày.
7 - “Điện hạt nhân và sản xuất hydro: sự kết hợp hiệu quả” do TS. Phạm Quang Vinh - Giám đốc điều hành Siemens Energy Việt Nam - trình bày.
8 - Phần trình bày của Ông Peder Noborg - Phó Tổng Giám đốc Công ty Seaborg -về thực trạng triển khai thế hệ lò phản ứng tiên tiến của Seaborg và tiềm năng của chúng.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã cùng trao đổi và có những thảo luận vô cùng sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn về các ý kiến, nội dung xoay quanh chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và Chuyển dịch năng lượng Việt Nam”. Thông qua Hội thảo, PECC2 mong muốn kết nối, lan tỏa nhận thức và tăng cường mối quan hệ giữa các bên liên quan để tạo động lực thúc đẩy phát triển các ứng dụng AI trong ngành năng lượng Việt Nam. Đồng thời, Hội thảo cũng được kỳ vọng sẽ là bước đệm để PECC2 tăng cường, nâng cao và tập trung phát triển hơn nữa lĩnh vực này trong tương lai.
Một vài hình ảnh khác tại Hội thảo:
Thực hiện: PECC2