Gần 480.000 tỷ đồng đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

Thủy điện Sơn La khánh thành vượt trước thời hạn 3 năm đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Nhờ vậy, hệ thống điện Quốc gia liên tục mở  rộng phạm vi, qui mô và năng lực sản xuất, đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện của đất nước, đặc biệt là khu vực miền Nam. 5 năm qua, Tập đoàn đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất 9.852MW, tăng 25% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW. Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW đã chính thức khánh thành vào ngày 23/12/2012, vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao. Các dự án nguồn điện cấp bách đảm bảo tiến độ như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1... góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam. Tập đoàn cũng đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó, Dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đang trong quá trình thẩm tra phê duyệt.
 
Tập đoàn cũng hoàn thành đóng điện 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000 MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống. Đến nay, hệ thống điện đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ, tăng khả năng cung ứng điện của lưới điện tại nhiều khu vực. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc – Nam như các đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long; thay thế tụ bù dọc nhằm nâng cao khả năng tải cho cả 2 mạch đường đường dây 500kV Bắc - Nam; các công trình lưới điện đấu nối các nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu; các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương. Khối lượng hoàn thành lưới điện 500kV đạt cao, đáp ứng nhu cầu đấu nối các nguồn điện và nâng cao vượt bậc năng lực truyền tải của hệ thống điện. 
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của EVN, vẫn còn một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đã ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện, gây nên tình trạng quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực. Nguyên nhân khách quan do những khó khăn trong công tác thu xếp vốn, đền bù giải phóng mặt bằng của địa phương, sự cố bất thường về địa chất và thiên tai, lũ... Tuy nhiên, về chủ quan EVN cũng nhìn nhận có nguyên nhân do chất lượng, khảo sát thiết kế ở một số dự án chưa tốt, do vậy trong quá trình thi công phải điều chỉnh thay đổi thiết kế, xử lý các phát sinh. Một số Ban Quản lý dự án chưa phối hợp chặt chẽ, liên tục với chính quyền địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng trong khi công tác này ngày càng khó khăn và phức tạp.
 
Thủy điện Lai Châu đang được EVN chú trọng đảm bảo tiến độ. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Trong giai đoạn 2016-2020, EVN đặt mục tiêu huy động trên 600.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu đầu tư. Để thu hút nguồn vốn lớn này, EVN sẽ đa dạng các hình thức huy động các nguồn vốn trong nước và quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư nguồn và lưới điện. Chủ động xây dựng và tính toán nhu cầu vốn theo các dự án, chương trình đầu tư để làm việc với các ngân hàng thương mại trong nước. Ngoài ra, tăng cường hợp tác, thuyết phục các tổ chức tài chính quốc tế vay vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài. Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài như tranh thủ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài thông qua việc đấu thầu cung cấp thiết bị hoặc đấu thầu EPC, EVN còn huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trong nước và phát hành trái phiếu quốc tế.
 
Để triển khai nguồn vốn có hiệu quả, EVN sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đối với các dự án, công trình nguồn và lưới điện trong Quy hoạch Điện VII được Chính phủ giao, đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra hàng năm và cả giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh đó, chủ động rà soát Quy hoạch phát triển Điện lực của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, đồng thời sẵn sàng các phương án, giải pháp để đầu tư bổ sung các dự án điện cấp bách đáp ứng các nhu cầu điện mới của các nhà đầu tư. Mặt khác, bám sát các thay đổi trong cơ chế, chính sách, quy định pháp luật của nhà nước về đầu tư xây dựng; kịp thời đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn phát sinh về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, quy hoạch điện lực... Đồng thời, xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tiên tiến của lưới điện trong công tác thiết kế để lựa chọn thiết bị có hiệu suất cao, tổn thất điện năng thấp trong các dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp lưới điện theo tiêu chuẩn N-1.
 
Như vậy trong 5 năm tới, Tập đoàn sẽ hoàn thành đưa vào vận hành 19 tổ máy thuộc 11 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.819 MW; Đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách như: Thủy điện Lai Châu, các dự án thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Ô Môn. Đồng thời chuẩn bị điều kiện khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận.
Nguồn: icon.com.vn

 

Chia sẻ: