Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia và tổ chức trên thế giới đang áp dụng những biện pháp quyết liệt nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon. Một trong những chính sách đáng chú ý nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh Châu Âu (EU), được thiết kế để đảm bảo rằng hàng hóa nhập khẩu vào EU tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt.
Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi nguồn điện than vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu năng lượng. Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp giảm áp lực từ CBAM mà còn là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững trên thị trường quốc tế.
CBAM và những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam
Là chính sách quan trọng nhằm đánh thuế khí thải carbon đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có tiêu chuẩn phát thải thấp hơn EU, CBAM được xem công cụ chiến lược nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn.
CBAM chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2023 với giai đoạn chuyển tiếp và sẽ được triển khai đầy đủ từ năm 2026. Giai đoạn đầu, cơ chế này áp dụng cho các ngành có cường độ phát thải cao như sắt, thép, xi măng, nhôm, phân bón và điện. Trong tương lai, phạm vi điều chỉnh có thể tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác như hóa chất và dầu khí.
Việt Nam, với tỷ trọng điện than chiếm phần lớn – 26.757 MW trên tổng công suất nguồn điện đã vận hành (COD) toàn hệ thống khoảng 80.555 MW (EVN, 2024: Một số số liệu tổng quan về nguồn điện toàn quốc năm 2023), đang đối diện với nhiều thách thức. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp có nguy cơ gia tăng đáng kể do phải chịu thuế carbon cao, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, nếu sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà EU đặt ra, doanh nghiệp có thể đánh mất thị phần và bị loại khỏi chuỗi cung ứng của khu vực này. Ngoài ra, CBAM còn yêu cầu minh bạch hóa phát thải, buộc doanh nghiệp phải đầu tư vào hệ thống giám sát và báo cáo chi tiết lượng khí thải, tạo thêm áp lực về mặt tài chính và kỹ thuật.
Năng lượng tái tạo: Chìa khóa giúp doanh nghiệp thích ứng với CBAM
Để giảm thiểu tác động của CBAM, một trong những giải pháp hiệu quả nhất là đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu CBAM mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững.
Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp giảm chi phí thuế carbon nhờ vào việc cắt giảm cường độ phát thải, từ đó tối ưu hóa chi phí vận hành khi CBAM chính thức được áp dụng đầy đủ. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tận dụng các chứng chỉ xanh như I-REC để chứng minh cam kết về giảm phát thải, gia tăng uy tín thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hơn nữa, các doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh, thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Định hướng chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam
Để thích ứng với CBAM và tận dụng cơ hội từ chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn và thực hiện các bước cụ thể. Trước tiên, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió hoặc mua chứng chỉ I-REC, sẽ giúp doanh nghiệp giảm phát thải và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của EU. Song song đó, tối ưu quy trình sản xuất cũng là một yếu tố quan trọng, bao gồm việc sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, áp dụng vật liệu tái chế và cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng để giảm lượng phát thải carbon.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống theo dõi, đo lường và báo cáo phát thải để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ CBAM. Cuối cùng, tận dụng các nguồn tài chính xanh là một giải pháp thiết thực, giúp doanh nghiệp tiếp cận quỹ hỗ trợ năng lượng sạch và nâng cao năng lực tài chính để thực hiện các dự án bền vững.
Kết luận
Việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng thuế carbon từ CBAM mà còn tạo điều kiện phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh tiêu chuẩn phát thải ngày càng khắt khe, việc chủ động thích ứng và xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh là yếu tố quan trọng để Việt Nam duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thực hiện: PECC2