Để giảm bớt áp lực thiếu điện thời gian tới, một trong những giải pháp mấu chốt được Bộ Công Thương đề ra là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Theo ông, định hướng này đã hợp lý, khả thi chưa?
Những năm vừa qua, phát triển điện gió, điện mặt trời theo định hướng là khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nên có mức giá hấp dẫn, điển hình như với điện mặt trời là 9,35 UScents/kWh. Năng lượng tái tạo đem lại nhiều lợi ích về môi trường, vì giá ưu đãi nên các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư ồ ạt. Theo Quy hoạch điện VII, ở miền Nam có một số nhà máy điện chạy bằng than NK và một số nhà máy điện chạy bằng khí lô B ở Tây Nam đều chậm tiến độ, không thể đưa vào vận hành trong năm 2019, 2020. Bởi vậy, dù mặt trời chỉ có ban ngày, gió cũng không phải có trong nhiều giờ, không đạt độ ổn định như các nhà máy điện than, điện khí, song cũng sẽ có tác dụng góp phần giải quyết câu chuyện thiếu điện thời gian tới.
Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, mức giá điện mặt trời mới lần lượt là 7,69 UScents/kWh dành cho dự án điện mặt trời nổi; 7,09 UScents/kWh với điện mặt trời mặt đất và 8,38 UScents/kWh với hệ thống điện mặt trời mái nhà. Các mức giá này giảm khá nhiều so với 9,35 UScents/kWh áp dụng trước đó. Điều này liệu có đủ sức thu hút nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào các dự án điện mặt trời thời gian tới không, thưa ông?
Phải khẳng định rằng, mức giá 9,35 UScents/kWh là quá hấp dẫn. Mức giá giảm xuống như hiện nay nhà đầu tư dù không có lợi như cũ nhưng vẫn có lợi nhuận. Giá mới vẫn là giá ưu đãi, đủ để nhà đầu tư có lãi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng phải tính toán chặt chẽ hơn, đảm bảo chi phí. Ngoài mức giá, Chính phủ vẫn có các chính sách khuyến khích khác, ví dụ như DN đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo được vay ngân hàng với mức lãi suất thấp hơn với các loại hình đầu tư khác...
Trong điện mặt trời, tôi cho rằng nên đặc biệt khuyến khích điện áp mái. Loại hình này không cần lưới chuyên tải như 500 kV hay 220 kV. Các nhà đầu tư không cần có tiềm lực quá lớn vẫn có thể đầu tư được, vài chục hay vài trăm MW chi phí đầu tư không nhiều, phát triển lưới điện không nghiêm trọng...
Ngoài năng lượng tái tạo, đẩy mạnh NK điện từ Trung Quốc cũng là một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đề ra để bù đắp lượng điện thiếu hụt trong vài năm tới. Quan điểm của ông về phương án này như thế nào?
Việt Nam thiếu điện ở miền Nam chứ không phải miền Bắc. Hiện nay, miền Bắc đang tải điện vào miền Nam nên nếu tăng NK ở Trung Quốc thì miền Bắc sẽ phải tải điện vào miền Nam nhiều hơn. Tôi cho rằng, thay vì Trung Quốc thì nên tăng cường NK từ Lào thì tốt hơn. Giá điện gió NK từ Lào rẻ hơn điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải bán giá rẻ hơn giá điện trong nước của Việt Nam là họ thiệt. Họ đã tính toán mọi chi phí để ra giá điện phù hợp.
Các dự án nhiệt điện trong Quy hoạch điện VII đều bị chậm tiến độ khá nhiều, là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu điện của Việt Nam thời gian tới. Trong Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công Thương đang xây dựng cần thay đổi như thế nào để tránh lặp lại 'vết xe đổ' quy hoạch một đằng, thực thi một nẻo, thưa ông?
Từ Quy hoạch điện VI trở đi, Chính phủ giao cho các tập đoàn năng lượng làm nguồn điện là không khả thi. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ làm nguồn điện dùng khí là được, song trong quy hoạch lại cho làm cả nguồn điện dùng than. PVN phải mua than của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đứng ở giữa nên không thể có giá điện rẻ, hiệu quả được.
Trước đây chỉ có EVN làm điện, sau này muốn bớt gánh nặng cho ngành điện nên cả các tập đoàn như PVN, TKV... cũng tham gia đầu tư nguồn điện. Việc giao làm nguồn điện 'trái tay' khiến cho chi phí đầu tư cao lên, chậm tiến độ... Ví dụ điển hình như dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư hiện nay vẫn đang chậm tiến độ và có chi phí đầu tư đắt hơn so với dự án Nhiệt điện Thái Bình do EVN làm chủ đầu tư.
Chính phủ không nên giao cho các tập đoàn những dự án nguồn điện không thuộc lợi thế của mình. Ví dụ, tập đoàn nào thuộc lĩnh vực về khí thì chỉ nên làm diện khí; thuộc lĩnh vực than thì chỉ nên làm điện than...
Bên cạnh đó, điểm mấu chốt là công tác giám sát thực thi. Ví dụ, Bộ Công Thương phải có “bàn tay sắt” điều tra, rà soát đôn đốc sát sao hoặc thành lập Ban điều hành, phải làm quyết liệt xem rõ tình hình tiến độ triển khai dự án nguồn điện của các tập đoàn như thế nào. Nếu dự án nào chậm tiến độ phải có cơ chế xử lý, hình phạt đàng hoàng.
Theo ông, để đảm bảo an ninh năng lượng trong dài lâu đâu mới là nguồn điện đóng vai trò chủ chốt đối với Việt Nam?
Tôi cho rằng trong định hướng đến năm 2025-2030, nhiệt điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (gồm nhiệt điện than và nhiệt điện khí). Chiếm tỷ trọng sau nhiệt điện là thủy điện, tiếp đó là năng lượng tái tạo. Trong năng lượng tái tạo phải chú ý đến điện sinh khối từ bã mía, trấu, rơm rạ...
Ngoài ra, theo tôi, việc tái khởi động các dự án điện hạt nhân cũng cần tính toán đến. Việt Nam dự kiến bắt đầu thiếu điện vào năm 2022-2023. Xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mất khoảng 6-7 năm. Nếu ở thời điểm hiện tại ngay lập tức khởi động lại các dự án đang tạm dừng cũng không kịp để đến năm 2022-2023 bù đắp vào lượng điện thiếu hụt. Đó là chưa kể việc, nếu tính đến phát triển trở lại điện hạt nhân ngay cũng không có vốn.
Sau năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu năng lượng nghiêm trọng. Trong khi đó, than đã phải NK. Thủy điện cũng đã khai thác hết. Khí hiện nay cũng sắp sửa phải NK khí hóa lỏng. Nếu cứ tiếp tục không phát triển điện hạt nhân, Việt Nam sẽ phải NK rất nhiều khí hóa lỏng và than. Điều đó đồng nghĩa với việc an ninh năng lượng bị hạn chế rất nhiều. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nghĩa là giảm phát thải khí nhà kính thì nên giữ lại những địa điểm phát triển điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận, sau năm 2030 sẽ tiếp tục phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: haiquanonline.com.vn