Theo EVN, Dự án có công suất thiết kế là 49 MW tại địa bàn xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum (thuộc hạ lưu đập bờ phải của công trình Thủy điện Sê San 4 đang vận hành).
Đây là dự án thuộc nhóm B, do EVN là chủ đầu tư xây dựng và vận hành, khi khánh thành sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất khu vực Tây Nguyên.
Dự án lựa chọn công nghệ quang điện SPV chuyển bức xạ mặt trời trực tiếp thành điện năng qua các tấm pin năng lượng mặt trời. Các tấm pin mặt trời sử dụng công nghệ pin silic đa tinh thể, kích thước 4 x 10 m, công suất mỗi tấm pin là 300 W.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ chính thức được thi công xây lắp vào đầu năm 2018 và khánh thành cuối năm 2018 hòa lưới điện quốc gia. Việc đầu tư Dự án này góp phần bổ sung nguồn năng lượng sạch, tăng nguồn thu cho đất nước và địa phương.
Mới đây, EVN đã phê duyệt Nghị quyết về định hướng nghiên cứu phát triển điện mặt trời, với mục tiêu bổ sung nguồn điện sạch cho đất nước.
Trên cơ sở đó, so sánh đánh giá và xác định chi phí hợp lý và hiệu quả của dự án điện mặt trời, làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời, năng lượng tái tạo của Việt Nam.
EVN sẽ tập trung nghiên cứu phát triển một số dự án nhà máy điện mặt trời tại các địa phương có tiềm năng thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam Bộ.
EVN ưu tiên lựa chọn các địa điểm gần hoặc thuộc phạm vi địa giới các nguồn điện hiện có của EVN; xem xét đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước tại các hồ chứa thủy điện và trên quỹ đất thuộc vành đai bảo vệ và vận hành công trình thủy điện, tạo thuận lợi cho đấu nối lưới điện, giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và hạn chế những phát sinh lớn về lực lượng quản lý vận hành khi các dự án đi vào hoạt động...
Nguồn: nangluongvietnam.vn