Trong những năm gần đây, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng sạch của Chính Phủ, công suất các nguồn điện mặt trời và điện gió trong cơ cấu nguồn điện có sự tăng trưởng vượt bậc. Từ mức chiếm tỷ trọng không đáng kể, nguồn điện năng lượng tái tạo biến đổi (gồm điện gió và điện mặt trời) đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo biến đổi cũng tạo ra các thách thức không nhỏ đối với ngành điện, đặc biệt là công tác vận hành và đảm bảo giải tỏa hết công suất nguồn năng lượng tái tạo.
Hình 1: Biểu đồ công suất phát của 1 nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận
Công suất phát điện mặt trời tùy thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết, có những ngày phát công suất cao, nhưng cũng có những ngày phát công suất khá thấp. Bên cạnh đó, công suất điện mặt trời thường xuyên dao động và có nhiều thời điểm thay đổi đột ngột, như được thể hiện ở hình trên. Trên đường màu xanh, có thời điểm điện mặt trời giảm 35% trong vòng 5 phút, và giảm 80% trong vòng 15 phút.
1. Việt Nam có cần phát triển các nguồn điện mặt trời?
Việt Nam là một nước đang phát triển. Vì vậy, nhu cầu điện năng trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục tăng mạnh. Theo dự thảo tổng sơ đồ 8, đến năm 2030, nhu cầu điện sản xuất so với năm 2020 tăng gấp 2.17 lần (từ 247 tỷ kWh lên 537 tỷ kWh) và đến năm 2045 tăng gấp 3.88 lần (lên 959 tỷ kWh) kéo theo đó là nhu cầu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện cũng sẽ phải tăng theo.
Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng ròng. Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan trong 3 năm gần đây, Việt Nam nhập khẩu ròng năng lượng rất lớn như than đá (54,8 triệu tấn), dầu thô (11,7 triệu tấn), xăng dầu (8,2 triệu tấn) và khí đốt hóa lỏng (1,8 triệu tấn), vượt xa giá trị xuất khẩu tương ứng.
Theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia do Viện Năng lượng lập, sản lượng than thương phẩm trong nước hàng năm đến 2050 tối đa khoảng 50 triệu tấn/năm, thấp hơn lượng than đã nhập khẩu năm 2020 và không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Cũng theo quy hoạch trên, Việt Nam cần phải nhập khẩu lượng than khá lớn, cao nhất đến hơn 100 triệu tấn/ năm để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Bảng Cân đối cung cầu than trong nước (nghìn tấn) –
theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia
Cũng theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, cần phải nhập khẩu khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong nước. Dự kiến phải nhập trên 4 tỷ m3 LNG/năm đến 2025, trên 15 tỷ m3 LNG/năm đến 2030 và gần 80 tỷ m3 LNG/năm đến 2050 nếu không có sản lượng khai thác khí từ các mỏ mới ngoài dự kiến hiện nay.
Tiềm năng kỹ thuật của điện gió và điện mặt trời của Việt Nam khá lớn. Theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, tổng tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên đất liền (với tốc độ gió từ 4.5m/s trở lên) khoảng 217GW và điện gió ngoài khơi (với tốc độ gió từ 6m/s trở lên) khoảng 162GW. Tiềm năng kỹ thuật của điện mặt trời mặt đất khoảng 1,568.5GW, điện mặt trời áp mái khoảng 48,5GW và điện mặt trời trên mặt nước khoảng 76.5GW. Ngoài ra với bờ biển dài, tiềm năng kỹ thuật của điện thủy triều Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên công nghệ này chưa phổ biến trên thế giới. Suất đầu tư của các nguồn điện mặt trời và điện gió có sự giảm mạnh trong thập kỷ vừa qua. Theo thống kê của IRENA, suất đầu tư trung bình của điện mặt trời đã giảm khoảng 79% trong giai đoạn từ 2010 đến 2019 và điện gió cũng giảm khoảng 18% và xu hướng giảm sẽ tiếp tục trong những năm tới. Xu hướng giảm trên đã giảm giá thành sản xuất điện của các nguồn năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh được với các nguồn năng lượng hóa thạch.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước trong giai đoạn tới ngoài việc phải nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài, cần thiết phải khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng mặt trời và điện gió trong nước nhằm tăng tính tự chủ trong cung cấp năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài trong bối cảnh tình hình biển Đông có nhiều biến động, bảo vệ môi trường, giảm pháp thải khí nhà kính và cũng đảm bảo cam kết của Chính phủ về cắt giảm khí nhà kính theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo dự thảo Quy hoạch điện 8, đến năm 2045 tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời khoảng 53GW (Phương án phụ tải cơ sở) và 60GW (Phương án phụ tải cao). Tuy nhiên, việc nguồn điện mặt trời có tỷ trọng lớn trong hệ thống điện sẽ ảnh hưởng đến hệ thống như thế nào? Những giải pháp nào có thể được xem xét nhằm giải quyết các ảnh hưởng xấu, các khó khăn trong quá trình tích hợp, vận hành các nguồn điện mặt trời (PV) trên lưới điện?
2. Ảnh hưởng của các nguồn PV trên lưới điện
Các nguồn PV có thể kết nối vào hệ thống điện ở các lưới truyền tải và phân phối. Do sự khác nhau trong đặc điểm của các lưới truyền tải và phân phối và mức công suất các nguồn PV kết nối vào mỗi lưới, ảnh hưởng của các nguồn PV gây ra trên mỗi lưới cũng có sự khác nhau. Dưới đây sẽ xem xét một số ảnh hưởng của các nguồn PV trên lưới truyền tải và phân phối một cách riêng rẽ.
Các ảnh hưởng của nguồn PV công suất lớn trên lưới truyền tải
Ảnh hưởng của nguồn PV công suất nhỏ và vừa (dưới 500kW) trên lưới phân phối
Các phát tuyến phân phối vốn được thiết kế để tải luồng công suất theo chiều xác định từ trạm biến áp trung gian đến các trạm biến áp phân phối dọc đường dây phân phối. Tiết diện dây đoạn cuối phát tuyến thường nhỏ hơn đoạn gần trạm trung gian. Thiết kế của hệ thống điều áp và bảo vệ phát tuyến cũng căn cứ theo đặc tính này. Việc tích hợp các nguồn PV vào lưới phân phối giúp cung cấp điện cho khu vực tại chỗ, giảm công suất thực trên đường dây phân phối, và với một mức độ tích hợp nào đó nó có thể cải thiện điện áp lưới phân phối. Theo một nghiên cứu (8), nguồn PV được thiết kế với công suất phù hợp trong khoảng 4-6MW trên phát tuyến có tải 10MW có thể giảm thiểu tổn thất trên phát tuyến.
Khi có các nguồn PV tập trung hoặc hệ thống PV mái nhà dọc phát tuyến và cuối phát tuyến, trong thời điểm công suất PV vượt mức yêu cầu của các tải tại chỗ, sẽ xuất hiện hiện tượng dòng công suất ngược từ vị trí PV về hướng trạm trung gian. Hiện tượng này sẽ gây ra các hệ lụy sau:
3. Các giải pháp cho việc tích hợp và vận hành các nguồn PV trên lưới điện
Theo nhận định của người viết, từ góc nhìn quản lý, các giải pháp cho việc tích hợp nguồn PV vào lưới có thể chia làm hai nhóm, gồm (i) nhóm các giải pháp từ góc nhìn quản lý tập trung hệ thống điện, và (ii) nhóm các giải pháp có độ linh hoạt cao, cho phép phân quyền phân tán trong hệ thống điện. Nhóm (i) xuất phát từ mô hình quản lý truyền thống, trong khi nhóm (ii) cần xây dựng thêm những thay đổi, điều chỉnh về mặt chính sách, cơ chế quản lý lưới điện để có thể được thực thi. Một số giải pháp kỹ thuật hoặc quy trình vận hành cụ thể có thể sử dụng ở cả hai nhóm, với quy mô và tính chất áp dụng có thể khác nhau.
Nhóm các giải pháp từ góc nhìn quản lý tập trung hệ thống điện
Để quá trình tích hợp nguồn PV vào lưới điện được thực hiện tốt, từ góc nhìn quản lý tập trung hệ thống điện thì ít nhất cần thực hiện các khâu sau: Xác định cân bằng cung cầu năng lượng; Công tác vận hành, điều khiển của quản lý/điều độ hệ thống điện; Việc đặt ra các yêu cầu kỹ thuật kết nối nguồn PV vào lưới điện; Các giải pháp kỹ thuật phân tán trên lưới;
Việc xác định cân bằng cung cầu năng lượng nhằm tính toán lượng công suất PV (hay các dạng năng lượng tái tạo không điều độ được) lớn nhất có thể tích hợp vào hệ thống. Việc này về cốt lõi là ước lượng mức độ hiện tại và khả năng mở rộng của các nguồn tài nguyên linh hoạt điều khiển được trong hệ thống điện, nhằm đánh giá khả năng cân bằng với sự thay đổi công suất của các nguồn PV, như cách mà các nhà quản lý, điều độ hệ thống điện vẫn thực hiện trước kia với sự biến thiên của phụ tải và các sự cố (trước khi có PV). Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA) đã đề xuất một phương pháp tương ứng cho việc này, được gọi là phương pháp FAST (Flexibility Assessment) (12), như được tóm tắt trong hình sau đây, trong đó đáp ứng của phụ tải cũng được xem xét như là một nguồn tài nguyên linh hoạt, được điều khiển thông qua cơ chế giá điện hoặc cơ chế kiểm soát phụ tải từ xa (nếu có). Phương pháp này đề nghị khung thời gian cho việc đánh giá cân bằng cung cầu là mỗi 36 giờ. Trong trường hợp cần thiết, các khung thời gian nhỏ hơn như 6 giờ, 1 giờ và 15 phút có thể được sử dụng.
HÌnh 2: Sơ đồ thể hiện phương pháp FAST (12)
Theo phương pháp này, trong việc đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu cân bằng với các nguồn PV nói riêng cũng như các nguồn năng lượng tái tạo biến thiên nói chung, có 4 nhóm tài nguyên cần được xem xét khả năng thay đổi linh hoạt, gồm: Các nguồn điện linh hoạt điều khiển được, trong đó có các nguồn có có tốc độ đáp ứng nhanh; Các hệ thống lưu trữ năng lượng, trong đó có các hệ thống đáp ứng (nạp/xả) nhanh; Các lưới điện liên kết (nếu có); Đáp ứng của phụ tải.
Trong công tác vận hành, điều khiển hệ thống điện, cần thực hiện việc lên kế hoạch điều độ căn cứ vào dự báo phụ tải, các nguồn điện truyền thống, nguồn PV cũng như các nguồn năng lượng tái tạo biến thiên khác và những kịch bản có thể phát sinh, sau đó trong quá trình vận hành thì cần giám sát diễn biến của các nguồn PV, các nguồn năng lượng tái tạo khác và phụ tải một cách liên tục và kịp thời có những động tác điều khiển hợp lý để giữ cân bằng công suất hệ thống và ổn định tần số. Có thể thấy là việc dự báo công suất nguồn PV cũng như các nguồn năng lượng tái tạo nói chung đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định cân bằng cung cầu năng lượng, cũng như trong công tác vận hành điều khiển hệ thống điện.
Trong quá trình tích hợp các nguồn PV, bên cạnh các tác động điều khiển trực tiếp từ phía điều độ hệ thống điện, người ta nhận thấy các nguồn năng lượng tái tạo và PV nói riêng cần có các đáp ứng nhanh và tự động về công suất, điện áp phù hợp với quy luật điều tần, điều áp và hỗ trợ tính ổn định của hệ thống. Việc thực thi các đáp ứng này được quy định trong bộ yêu cầu kỹ thuật cho việc kết nối nguồn PV vào lưới. Các bộ quy định này đã được nhiều quốc gia phát triển trong nhiều năm qua để phù hợp cho lưới điện mỗi nước. Về khía cạnh điều khiển, có thể xem đây là quy luật của lớp điều khiển phân tán, tại chỗ các nguồn PV, còn các tác vụ điều khiển tại trung tâm điều độ thuộc về lớp điều khiển trung tâm. Việt Nam cũng đã ban hành các bộ yêu cầu kỹ thuật cho các nguồn PV trong các thông tư 25/2016/TT-BCT, 39/2015/TT-BCT, 30/2019/TT-BCT. Trong đó cũng có quy định về chức năng LVRT (đã được nói đến mục 2) cho việc kết nối với lưới truyền tải và phân phối nhằm hỗ trợ ổn định động và ổn định điện áp cho hệ thống điện.
Hình 3: Chức năng LVRT cho các nguồn điện mặt trời và gió nối vào lưới truyền tải và phân phối - Thông tư 30/2019/TT-BCT
Một vài giải pháp kỹ thuật khác sử dụng thiết bị phân tán trên lưới
Một trong những cách để giảm ảnh hưởng cùa nguồn PV đối với lưới điện mà vẫn tích hợp được lượng lớn công suất PV vào lưới là tăng cường ưu tiên lắp đặt cho các nguồn PV có tính phân tán thay vì PV tập trung, như PV trên mái nhà, trên các công trình công cộng… Các nguồn PV phân tán sẽ được tiêu thụ một phần bởi các tải tại chỗ hoặc xung quanh, làm giảm gánh nặng truyền tải và quá áp so với PV tập trung, như trong hình dưới đây (13). Theo nghiên cứu trên một lưới điện phân phối điển hình của Nhật Bản (9) có tổng công suất tải 1.38 MW, các nguồn PV mái nhà với tổng công suất 2.1MW dẫn đến vi phạm điện áp nhỏ hơn so với trường hợp nguồn PV tập trung cuối phát tuyến có công suất 1MW. Ngoài ra, với cùng một lượng công suất lắp đặt, PV phân tán cũng ít chịu ảnh hưởng của những thay đổi ngắn hạn về thời thiết như nguồn PV tập trung (2), như đã trình bày ở mục 3.
Hình 4: Điện áp của một lưới phân phối US (13) trong hai trường hợp:
Một số các giải pháp sử dụng thiết bị phân tán phổ biến là lắp đặt các thiết bị bù linh hoạt như SVC, STATCOM (lưới truyền tải), D-STATCOM (lưới phân phối) để cải thiện ổn định tĩnh, ổn định động, ổn định điện áp (lưới truyền tải) và chất lượng điện áp trong hệ thống. Với mục đích cải thiện chất lượng điện áp trên lưới phân phối, có thể xem xét sử dụng các bộ điều áp theo nấc (SVR) tiên tiến cho phép cài đặt các mức điện áp ngưỡng và thời gian trễ (14). SVR tiên tiến có đáp ứng chậm (từ 10s đến 180s) nhưng có chi phí ít đắt đỏ hơn SVC và D-STATCOM.
Nhóm các giải pháp linh hoạt, cho phép phân quyền quản lý trong hệ thống điện
Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu ba giải pháp có tính linh hoạt và tính phân quyền có thể khắc phục các khó khăn trong quá trình tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi nói chung và nguồn PV nói riêng vào lưới điện: Sản xuất hydro từ năng lượng tái tạo; Nhà máy điện ảo (Virtual Power Plant); Lưới điện nhỏ (Microgrid). Không chỉ như vậy, các giải pháp này còn góp phần tạo ra những thay đổi về cấu trúc trên phạm vi rộng, những thay đổi sâu sắc về mô hình hoạt động của hệ thống điện, hệ thống năng lượng và nền kinh tế năng lượng.
Sản xuất hydro từ năng lượng tái tạo, nhìn từ câu chuyện tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện, là một phương thức giúp chuyển hóa và tích trữ năng lượng tái tạo dư thừa, hỗ trợ việc cân bằng sự thay đổi của các nguồn năng lượng tái tạo hay các nguồn PV nói riêng, tăng mức độ linh hoạt của hệ thống điện. Hydro có thể được sản xuất từ năng lượng tái tạo (năng lượng điện) theo nhiều cách, trong đó cách phổ biến nhất là sử dụng năng lượng điện để tách nước và hydro trong thiết bị điện phân. Từ đây hydro được tạo ra có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy điện quay có công nghệ phù hợp hoặc cho pin nhiên liệu (fuel cell). Theo cách này, năng lượng điện tái tạo, trong đó có các nguồn PV, có thể được sử dụng trong hệ thống điện mà không gây ra các khó khăn về điều độ như cách phát trực tiếp hoàn toàn vào lưới điện. Hydro còn có thể được dùng trong các hệ thống khác như làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải, làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất, giúp cung cấp năng lượng trong các tòa nhà dân dụng v.v…Nhìn xa hơn, việc sản xuất hydro từ năng lượng điện tái tạo không chỉ dừng lại ở câu chuyện phương tiện tích trữ