Ảnh: Internet
“Bí quyết bán hàng” quan trọng nhất là thu phục lòng người
Ra đời năm 1936, giữa thời kỳ đại suy thoái kinh tế của Mỹ, việc làm ăn khắc nghiệt hơn bao giờ hết, “Đắc nhân tâm” bất ngờ trở thành chỗ dựa tinh thần để nhiều người bắt đầu lại, từ việc phát triển chính mình. Từ đó đến nay, hàng triệu bản sách đã được bán ra cùng 45 bản dịch các thứ tiếng. Động lực viết cuốn sách xuất phát từ chính trải nghiệm của tác giả, khi đó là một người giảng dạy kỹ năng kinh doanh. Ông nhận thấy các học viên của mình không hẳn chỉ là khó khăn trong việc thuyết phục ai đó mua hàng, mà chính là gặp khó khăn trong việc khai mở trái tim người khác.
Chúng ta dành hàng chục năm học phổ thông, thêm vài năm học đại học, học nghề… nhưng đôi khi chẳng biết học ở đâu bài học quan trọng nhất: Sống với người khác. Ta có thể xuất sắc chuyên môn, nhưng lại thất bại nặng nề trong các mối quan hệ - yếu tố quan trọng nhất quyết định hạnh phúc lẫn thành công.
Vậy việc cư xử có thể học không? Đó chính là điều tác giả muốn, và đã làm được. “Đắc nhân tâm” không chỉ là những lời khuyên cổ tích, mà được đúc kết dựa trên nhiều khảo cứu kỳ công của tác giả cùng các cộng sự qua hàng chục ngàn bài báo, các câu chuyện kinh doanh, kể cả những hồ sơ ghi chép các vụ kiện tụng, bài học từ các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử cho đến những con người bình dị nhất… Thành quả của lao động miệt mài đó là những đúc kết giản dị nhưng đầy giá trị.
Những mối quan hệ lành mạnh chỉ có thể phát triển dựa trên cần lòng chân thành và sự khiêm nhường - Ảnh: Internet
Chúng ta liệu có điểm chung nào với những… tên sát nhân máu lạnh? Chính là xu hướng tránh né, từ chối thừa nhận lỗi lầm của mình. Đó là cách mở đầu hấp dẫn của Đắc nhân tâm. “Bài học thu phục lòng người” đầu tiên trong cuốn sách, thật ngạc nhiên, không phải là mánh khoé gây ảnh hưởng hay kiểm soát ai, mà chính là lời nhắc về khả năng dám tự thừa nhận sai lầm.
Hoá ra, tự thừa nhận yếu kém của mình là bước đầu tiên để xây dựng năng lực vị tha, ở đây không phải là thứ vị tha nhẫn nhục mù quáng, mà là sự vị tha có hiểu biết. Hiểu biết ấy nói rằng: Chúng ta không giống nhau, và “biết mọi thứ cũng có nghĩa là tha thứ mọi thứ”, nên chúng ta cần bớt đi những phán xét, thù địch. Đối nhân bằng sự khiêm nhường, sự vị tha và lòng thương, đó chính là bước đầu cốt lõi nhất của nghệ thuật đắc nhân tâm.
Quyền năng lớn từ những đổi thay bé nhỏ
Khởi nguồn bài học từ những tâm niệm tưởng như chung chung, trừu tượng, như lòng vị tha, sự tôn trọng, nhưng những bí quyết Dale Carnegie đưa ra để thực hành, hoá ra lại nhỏ bé không ngờ, nhỏ bé đến tưởng như vô thưởng vô phạt. Đó chính là khả năng mỉm cười, chào hỏi người khác với lòng nhiệt thành, thói quen nhớ tên và quan tâm đến câu chuyện của người đối diện, sở thích ghi nhận và trao gởi lời khen tặng, thái độ tế nhị trong cách phê bình, tranh luận, hay muốn là người nói hay, thì trước hết phải nghe tốt… Ông chỉ ra, việc chăm chăm bảo vệ “lẽ phải” của mình bằng cách phán xét, chỉ trích chỉ dẫn đến sự tổn thương và căm thù. Ông ví von nên thơ: “Những lời chỉ trích giống như chim bồ câu đưa thư, bao giờ cũng quay về nơi xuất phát”.
Ảnh: Internet
Không cần phải trở thành những nhà từ thiện lớn hay sở hữu một năng lực đáng ngưỡng mộ, con người vẫn có thể trở nên đầy cuốn hút và được yêu mến bởi khả năng thực hành những điều nhỏ bé nhưng chứa đầy sức mạnh đó. Bởi vì đằng sau chúng là cả một bí mật tâm lý con người (bí mật đó là gì, mời bạn đích thân đọc lại quyển sách để có thể khám phá trọn vẹn những câu chuyện tác giả kể ra).
Sự thuyết phục của những bài học trong “Đắc nhân tâm” đến từ những đúc kết gãy gọn và những ví dụ thực tế, chẳng hạn chuyện Tổng thống Abraham Lincoln từ một chàng luật sư trẻ kiêu ngạo, cay nghiệt đã học cách cư xử để trở thành một trong những vị tổng thống được yêu mến nhất nước Mỹ như thế nào. Ông dám bao dung với những sai lầm khủng khiếp, tin tưởng và trao cho người khác cơ hội làm lại với câu nói nổi tiếng “Đừng kết án người khác chỉ để chính mình không bị kết án”. Thú vị thay, Abraham Lincoln nhận diện được một quy luật mà sau này đã được xác nhận bởi hàng loạt nghiên cứu, rằng con người “hiếm khi suy xét đúng sai bằng lý trí” mà vốn “hành xử theo cảm xúc”, nên lời chỉ trích của ta dù có đúng, có hợp lý đến đâu, nếu nó gây tổn thương, oán hờn vẫn tồn tại.
Trong mắt tác giả, những bậc thầy giao tiếp để ông học hỏi có thể là bất kỳ ai, là tổng thống Mỹ hay anh trực tổng đài bình dị. Dale Carnegie cũng không học chay hay nói suông, ông áp dụng chính những nghệ thuật mình đúc kết vào các khoá học của mình, nhằm mang lại giá trị cao nhất cho các học viên. Chẳng hạn, ông dùng sự chân thành để mời những nhân vật tầm cỡ đến diễn thuyết trong dự án của mình. Và tiểu sử cuộc đời Dale Carnegie cũng chính là minh chứng cho khả năng dùng thái độ sống để chạm đến thành công. Ra đời trong nghèo đói, làm nông, bán hàng cho đến làm diễn viên, có chút tích luỹ, rồi lại phá sản, tuổi trẻ Dale Carnegie là không ít lần thất bại hoang mang, cuối cùng, ông đã thành công nhờ đem lại giá trị cho xã hội qua các bài giảng của mình. Bằng cách sống lấy chính những gì mình viết, Dale Carnegie trở thành một trong những “nhà giáo dục tự thân” thành công nhất của phương Tây.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Số phận cuốn sách “Đắc nhân tâm” không chỉ có suôn sẻ. Sự thành công lạ thường của quyển sách dường như đơn giản giữa thế giới hỗn loạn này làm nhiều người khó chịu. Nhiều người chế giễu “chủ nghĩa tích cực” trong cuốn sách, có người thậm chí còn định xuất bản hẳn quyển sách nhại lại tác phẩm một cách tiêu cực. Dùng cách tư duy của Dale Carnegie, ta có thể nghĩ, có lẽ những độc giả này chưa tìm thấy được sự đồng cảm với tác phẩm và họ có những lý lẽ chính đáng của mình. Song, hãy để tâm thêm điều Dale Carnegie giãi bày cuối sách: “Tôi không đưa ra những mánh khoé hay thủ thuật để chúng ta ứng xử giả dối… Các nguyên tắc chỉ có tác dụng khi chúng xuất phát từ lòng chân thành”.
Cá nhân tôi cho rằng, nếu ai đó cho rằng cuốn sách cổ suý những tính toán vị lợi cho bản thân, phải chăng cũng nên thành thật thừa nhận rằng, tính vị kỷ dĩ nhiên là một bản năng không thể chối cãi. Điều Dale Carnegie làm được, là mạnh dạn lôi ra dưới ánh sáng cái sự thật bị khuất lấp ấy, để tất cả cùng thấu hiểu và chăm sóc nhu cầu tinh thần của nhau. Thì ra, để làm người khác hạnh phúc, không hẳn cần tốn kém quá nhiều vật chất và công sức, mà là trao cho nhau những món quà tinh thần. Và có món quà nào vô giá hơn lòng tin và niềm tự hào cho mỗi cá nhân?
Bỏ qua nhược điểm đôi chỗ các motip ví dụ trong sách bị lặp đi lặp lại, và cũng tạm không xét tới sự ra đời của các khoá học self-help chất lượng thượng vàng hạ cám phái sinh từ thành công của “Đắc nhân tâm” sau này, nhìn vào cuốn sách, ta sẽ nhận thấy một điều đáng quý nữa, là Dale Carnegie chân thành tin rằng: Trong mỗi con người bình thường chúng ta, bên cạnh bản năng ích kỷ, thù nghịch, cũng đều tồn tại năng lực yêu thương và trao tặng. Điều quan trọng là khơi lại những hạt mầm đó.
Khi đó, điều ta làm không chỉ là chăm chăm tìm cách hơn người, mà còn là quan tâm đến sự phát triển của người khác.
Khi thật lòng trân trọng, thì những điều bé nhỏ như nụ cười, lời khen, sự cảm thông, lắng nghe… đều trở thành sứ giả hàng ngày của tình người.
Và tôi nhận ra, ý nghĩa của “Đắc nhân tâm” không chỉ nằm ở những kỹ năng bề ngoài. Nó đòi hỏi một thái độ sống lớn hơn, đó chính là lòng cao thượng. Mà điều này, vốn chẳng thể bề mặt dễ dãi chút nào.
Thực hiện: Nhân Huỳnh