Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017, được tổ chức ngày 12/12, tại Hà Nội là một kênh đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.
Với chủ đề 'VBF - 20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020', Diễn đàn đã tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng suất và phát triển các ngành công nghiệp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân và tăng cường hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Tomaso Andreatta đại diện Tiểu Nhóm công tác Năng lượng và Điện cho rằng: Việt Nam có cơ hội to lớn trong việc thu hút nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước nhằm đạt được mục tiêu năng lượng sạch trong tương lai. Tuy nhiên, hai chương trình thiết yếu là biểu đồ giá điện và hợp đồng mua bán điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. Điều này đã làm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế cùng các ngân hàng nước ngoài trong lĩnh vực này.
Theo ông Tomaso Andreatta, những tồn tại trên đang gây cản trở sự tăng trưởng bền vững về mặt môi trường (bao gồm việc tạo ra nguồn năng lượng carbon thấp. Do vậy, Việt Nam cần điều chỉnh, bổ sung luật và thông tư về điện năng. Mặt khác, hợp đồng mẫu với EVN cần được triển khai, bao gồm định nghĩa 'phí truyền tải'.
Tiểu Nhóm công tác Năng lượng và Điện cũng kiến nghị Bộ Công Thương cần lưu ý tới những mối quan tâm của các đơn vị sử dụng điện lớn về tính minh bạch của lộ trình tăng giá điện bán lẻ tới năm 2020.
Về phát triển điện mặt trời, Nhóm công tác Năng lượng và Điện đã đệ trình lên Bộ Công Thương các ý kiến về bản dự thảo hợp đồng mua bán điện mẫu các dự án năng lượng mặt trời nhằm bảo vệ cần thiết, hợp lý cho các nhà đầu tư và các ngân hàng khi tài trợ các dự án. Tuy nhiên, các khuyến nghị chính của Nhóm chưa được phản ánh trong mẫu hợp đồng mua bán điện cuối cùng vừa được ban hành gần đây.
'Sự thiếu sót này sẽ là rào cản cho việc phát triển các nguồn tài chính chi phí thấp cho các dự án năng lượng mặt trời ở Việt Nam' - Nhóm công tác Năng lượng và Điện nhấn mạnh.
Tổ chức này cũng đề xuất Bộ Công Thương xác nhận về trường hợp bên thứ ba - là chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam có đủ năng lực pháp lý và sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu để bán điện từ các hệ thống điện năng mặt trời có công suất dưới 1MW mà không cần tới giấy phép hoạt động.
Phát biểu sau đề xuất của Nhóm công tác Năng lượng và Điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đối với kiến nghị công khai lộ trình tăng giá bán lẻ điện, hiện nay Bộ Công Thương đang thực hiện các chương trình phát triển năng lượng bền vững, cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao hiệu quả ngành điện. Giá bán lẻ điện hiện nay cần phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh điện, cũng như đảm bảo lợi ích của đơn vị điện lực và các chỉ tiêu tài chính từ đó khuyến khích thành kinh tế khác đầu tư vào ngành điện.
'Bộ Công Thương ủng hộ cơ chế cho phép thực hiện cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp tại Việt Nam với mục tiêu có thêm cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn năng lượng sạch. Chúng tôi đã giao cho Cục Điều tiết Điện lực phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USS) để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu và đề xuất cơ chế mua bán điện trực tiếp năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Dự kiến trong năm 2018 sẽ thực hiện thí điểm cơ chế theo tư vấn của USS' - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Nguồn: nangluongvietnam.vn