Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, như ban hành chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, đặt ra mục tiêu cụ thể đối với từng loại hình năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Đặc biệt là ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển từng loại hình năng lượng tái tạo như: điện gió (năm 2011), điện sinh khối, điện từ rác thải (năm 2014) và mặt trời (năm 2017).
Ông Ousmane Dione cho rằng, hiện tổ chức này đang nỗ lực nghiên cứu tìm cách thu hút chuyên gia quốc tế và vốn tư nhân vào thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Do đó, đề nghị Việt Nam cần sớm tạo các khuôn khổ pháp lý, cải thiện các cơ chế, chính sách, trước hết là các quy định hiện hành về giá năng lượng tái tạo.
Theo ông Dione, hợp đồng mua bán điện cần phải được điều chỉnh để phù hợp với thông lệ quốc tế phổ biến nhất theo tài phán trung lập. Bên cạnh cơ chế giá (FiT) hiện tại, chủ yếu nhằm vào các nhà đầu tư trong nước, việc đầu tư mua sắm trong dự án năng lượng tái tạo thông qua hệ thống đấu giá với mẫu tài liệu ngân hàng quốc tế sẽ cho phép Việt Nam thực hiện cắt giảm chi phí.
Đối với đề nghị này của WB, Bộ trưởng Công Thương cho biết, sẽ xem xét, cân nhắc thận trọng đối với từng loại hình năng lượng tái tạo, trong từng bối cảnh cụ thể.
Về dự án phát triển năng lượng tái tạo (REDP), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đánh giá cao sự hỗ trợ của WB trong giai đoạn I (áp dụng cho các dự án thủy điện nhỏ). Theo Bộ trưởng, sự tham gia của REDP giai đoạn II là rất cần thiết, là chất xúc tác giúp các ngân hàng thương mại trong nước, các chủ đầu tư điện gió, mặt trời, sinh khối phát triển dự án, đáp ứng các điều kiện môi trường. Đồng thời đề nghị phía WB tích cực phối hợp với các biên liên quan, xây dựng dự án REDP giai đoạn II trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm triển khai.
Nguồn: nangluongvietnam.vn