Blockchain và câu chuyện ngành năng lượng Đông Nam Á

Blockchain là gì?

Blockchain (chuỗi khối) là cấu trúc dữ liệu hoặc các sổ cái phân tán được chia sẻ và có thể lưu trữ an toàn các giao dịch kỹ thuật số mà không cần sử dụng quyền kiểm soát trung tâm. Nói cách khác có thể coi nó là cơ sở dữ liệu cho phép nhiều người dùng đồng thời thực hiện các thay đổi, cập nhật trên các sổ cái phân tán, thay vì trao quyền quản lý, cập nhật các giao dịch cho một cá nhân/tổ chức với một sổ cái trung tâm.

Để tránh tình trạng phát sinh các phiên bản sổ cái khác nhau, mỗi thành viên trong mạng lưới blockchain phải đạt được thống nhất về trạng thái hợp lệ của các sổ cái phân tán bằng một phương thức đồng thuận. Các phương pháp để đạt được sự đồng thuận đã và vẫn đang được nghiên cứu phát triển, và chúng có thể khác nhau ứng với các loại ứng dụng khác nhau của blockchain. Bên cạnh công nghệ sổ cái phân tán và phương thức đồng thuận, một đặc điểm quan trọng khác của blockchain là các giao dịch mới được liên kết với các giao dịch trước đó bằng mật mã, làm cho mạng blockchain linh hoạt và an toàn. Các cá nhân dùng mạng đều có thể tự kiểm tra xem các giao dịch có hợp lệ hay không, điều này tạo nên tính minh bạch, đáng tin cậy, chống giả mạo của công nghệ blockchain (1).

Sự khác nhau giữa hai nền tảng giao dịch tập trung (truyền thống) và phân tán (dựa trên blockchain) (1)

Vài nét tổng quan về blockchain năm 2020

Mới đây, bản báo cáo tổng quan về blockchain toàn cầu năm 2020 của Deloitte (2) đã cho thấy ​​sự tiến bộ trong việc áp dụng và triển khai các giải pháp dựa trên công nghệ blockchain trong nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực khác nhau trên thế giới.

Kết quả khảo sát về tỉ lệ các ứng dụng của blockchain trên 1488 trường hợp được khảo sát (2)

Báo cáo cho rằng thái độ của các giám đốc điều hành và lãnh đạo doanh nghiệp đối với blockchain đã thay đổi khá rõ ràng khi doanh nghiệp triển khai các giải pháp hỗ trợ blockchain, dù là thông qua việc sử dụng các tài sản kỹ thuật số cụ thể hay các ứng dụng sáng tạo của blockchain nói chung. Các tổ chức đã tăng cường đầu tư, thể hiện cam kết của họ đối với công nghệ blockchain. Bằng cách xem xét các tổ chức đang ứng phó như thế nào với những thách thức an ninh mạng, với nhận dạng kỹ thuật số toàn cầu, tuân thủ các khuôn khổ về kế toán, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, thuế và báo cáo tài chính, quản trị và các vấn đề khác liên quan đến các tập đoàn..., báo cáo cho thấy rằng blockchain đã xoay trục từ câu chuyện các khả năng sang thế giới thực tiễn. Các khảo sát của Deloitte cho thấy đã có các hoạt động thực tế liên quan đến blockchain trên các ngành và khu vực trong năm 2020, thay vì các kế hoạch đơn thuần như năm 2018.

Kết quả khảo sát của Deloitte trên 501 mẫu từ các nước Trung Quốc, Singapore, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Đức (2)

Blockchain đã từng chỉ được công nhận là nền tảng cho tiền điện tử. Ngày nay, các nhà lãnh đạo chấp nhận nó như một giải pháp mạnh mẽ cho phép những tiến bộ trong in 3D, Al, bảo mật kỹ thuật số và nhiều lĩnh vực khác nữa. Điều này không thể hiện qua những tuyên bố đơn thuần mà là qua những khoản đầu tư chiến lược trị giá nhiều tỷ đô la được thực hiện bởi các cá nhân và tổ chức (2).

Hình thể hiện xu hướng tăng của việc ứng dụng blockchain của các doanh nghiệp (2)

Blockchain với ngành năng lượng

Trong khoảng 10 năm gần đây, sự phát triển của các nguồn năng lượng phân tán, nguồn năng lượng tái tạo cùng với các công nghệ số hóa trong ngành năng lượng đã tạo ra sự chuyển dịch ngành năng lượng từ xu hướng quản lý và giao dịch có tính tập trung sang xu hướng phân quyền. Hệ thống năng lượng đang phát triển theo hướng linh hoạt, phi tập trung, đa tác tử, với số lượng ngày càng tăng của các tác nhân và các hành động có thể xảy ra. Giao tiếp và trao đổi dữ liệu giữa các phần khác nhau của mạng lưới điện ngày càng được yêu cầu ở mức độ cao, tạo ra nhiều thách thức hơn cho việc quản lý và vận hành. Nhu cầu phát triển và sử dụng các kỹ thuật điều khiển và quản lý phân tán ngày càng tăng cao, nhằm phù hợp với các xu hướng phân quyền và số hóa này (1, 3).

Theo thiết kế của công nghệ blockchain hay công nghệ sổ cái phân tán, chúng được tạo ra để tạo điều kiện cho các giao dịch phân tán, bằng cách xóa bỏ vai trò của quản lý giao dịch trung tâm. Vì thế, blockchain hay công nghệ sổ cái phân tán có thể giúp giải quyết các thách thức của hệ thống năng lượng giao dịch phân tán.

Cụ thể hơn, blockchain có thể có các ứng dụng liên quan đến các phạm vi hoặc đặc điểm sau trong ngành năng lượng (1): Hóa đơn tự động, Bán hàng và tiếp thị, Thương mại và thị trường, Tự động hóa, Lưới điện thông minh và truyền tải dữ liệu, Quản lý lưới điện, Quản lý bảo mật và nhận dạng, Chia sẻ tài nguyên, Tính cạnh tranh, Tính minh bạch.

Hình sau đây cho một cái nhìn trực quan về việc công nghệ blockchain có thể thay đổi cấu trúc thị trường điện ra sao, theo bộ phận Năng lượng và Tiện ích của công ty PwC toàn cầu. Trong cấu trúc thị trường mới, ứng dụng blockchain đóng vai trò điều phối dòng dữ liệu và các chi trả, tương ứng với vai trò vận hành lưới điện của trung tâm vận hành.

Chuyển dịch thị trường điện với blockchain (1)

Blockchain với ngành năng lượng Đông Nam Á

Tự tin về tính không thể thiếu của công nghệ mới này, hai chuyên gia tiếp thị chiến lược, đổi mới và blockchain của Siemen Energy, Rossbander và Sturm, đã có vài chia sẻ (4) về liên hệ giữa blockchain và ngành năng lượng ở Đông Nam Á.

Sturm giải thích rằng Blockchain đã trải qua nhiều giai đoạn/phiên bản: Blockchain 1.0 chủ yếu là về tiền mã hóa, Blockchain 2.0 là về các hợp đồng thông minh được sử dụng để cho phép tương tác tự động giữa các thiết bị, Blockchain 3.0 cho các ứng dụng phi tập trung và Blockchain 4.0, mà các chuyên gia đang dự đoán, là liên quan đến việc công nghiệp hóa công nghệ này.

Bất chấp những lợi ích rõ ràng của nó đối với các quy trình hiện tại, hai chuyên gia trên cho rằng sự tiếp cận và ứng dụng blockchain, đặc biệt là ở Đông Nam Á, bị bao vây bởi một loạt các thách thức về kỹ thuật, xã hội, quy định và thị trường. Các thách thức kỹ thuật bao gồm quản lý, khả năng mở rộng, hiệu suất và khả năng tương tác. Thêm vào đó là những thách thức xã hội, cụ thể là sự thiếu hiểu biết và thậm chí hoài nghi về blockchain của các bên liên quan. Sturm cũng đề cập đến việc “chúng ta chưa thực sự đặt ra các chủ đề quy định như thế nào” và “vẫn còn thiếu các tiêu chuẩn”. Siemens cũng nhận thấy những thách thức về thị trường và mô hình kinh doanh, chẳng hạn như việc tiếp nhận của thị trường. Vẫn còn thiếu các chuyên gia có trình độ có thể thực hiện công nghệ mới này, và cần có các phân tích chi phí-lợi ích toàn diện hơn cho việc ứng dụng blockchain.

Tuy nhiên, họ cho rằng các loại hình hợp tác mới sẽ giúp blockchain thiết lập tiềm năng của nó trong thị trường năng lượng Đông Nam Á, thông qua việc mối quan tâm từ các trường đại học, công ty và viện nghiên cứu đối với blockchain ngày càng tăng. Sturm tin rằng làm việc cùng nhau để giải phóng tất cả tiềm năng của công nghệ sổ cái phân tán là cách tốt nhất để thúc đẩy công nghệ này, như chúng ta đã chứng kiến ​​từ việc áp dụng thành công blockchain trong ngành tài chính di động và hậu cần.

Ở Đông Nam Á, blockchain đang bắt đầu thu hút sự chú ý, đặc biệt là với giao dịch năng lượng ngang hàng (P2P). Indonesia, Malaysia (5), Singapore và Thái Lan (6) là những ví dụ như vậy, khi họ thử nghiệm hoặc bắt đầu cho phép các khách hàng dùng điện chuyển và bán năng lượng mặt trời dư thừa cho những người dùng khác thông qua một nền tảng an toàn, sau đó được điều chỉnh bởi công nghệ blockchain để giao dịch hiệu quả và minh bạch ngay cả khi không có người trung gian.

Giao diện mua bán điện P2P bởi công ty Senoko Energy, Singapore (6)

Rossbander cũng tìm thấy cơ hội cho công nghệ sổ cái phân tán trong khu vực Đông Nam Á, nhờ khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch của nó. Về khả năng truy xuất nguồn gốc, khía cạnh chứng nhận xuất xứ của công nghệ sổ cái phân tán, cho phép các công ty chứng minh họ có năng lượng xanh, cho phép một công ty giao dịch chứng chỉ cacbon cho thị trường bán buôn, cả trong nước và trên toàn thế giới, do đó cho phép họ phát triển các dòng doanh thu thay thế. Rossbander nhấn mạnh, đây chỉ là một vài trong số những ứng dụng của công nghệ trong khu vực, nhưng chắc chắn còn nhiều hơn thế nữa.

Chìa khóa để khám phá thêm những cơ hội này trong blockchain là “hợp tác”, đề cập đến một hình thức hợp tác mới cho phép cạnh tranh đồng thời. Sturm giải thích khái niệm này là “một cách làm việc theo cách hợp tác để thiết kế cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng và quản trị… để xác định cách chúng ta có thể truy cập dữ liệu trong mạng đó và sử dụng dữ liệu đó; và nó mở ra một lớp cạnh tranh khác từ sự hợp tác này, mà ở đó mọi đối tác đều có thể cung cấp dịch vụ của riêng họ.'

Về bản chất, blockchain có thể mở ra một số cơ hội cho các hệ thống năng lượng của Đông Nam Á. Mặc dù động thái có thể chậm và sự hiểu biết kỹ thuật về công nghệ này vẫn cần những nỗ lực chuyên tâm hơn, nhưng chắc chắn rằng blockchain có thể đóng góp vào nỗ lực điện khí hóa, giảm thiểu phát thải và quá trình số hóa của khu vực (4).

Thực hiện: Trần Huỳnh Ngọc

Tài liệu tham khảo:

  1. Merlinda Andoni, Valentin Robu, David Flynn, Simone Abram, Dale Geach, David Jenkins, Peter McCallum, Andrew Peacock, “Blockchain technology in the energy sector: A systematic review of challenges and opportunities,” Renewable and Sustainable Energy Reviews, Volume 100, 2019, Pages 143-174, ISSN 1364-0321.
  2. “Deloitte ‘s 2020 Global Blockchain survey – From promise to reality,” Deloitte Insight. [Online]. Available: https://www2.deloitte.com/content/dam/insights/us/articles/6608_2020-global-blockchain-survey/DI_CIR%202020%20global%20blockchain%20survey.pdf
  3. Trần Huỳnh Ngọc, “Chuyển đổi số và hệ thống năng lượng: Nửa thế kỷ “lột xác””, Bản tin năng lượng PECC2, tháng 11/2020. [Trực tuyến]. Link tại: http://www.pecc2.com/MonthlyNewsList.aspx?isMonthlyNew=1&monthCatID=21&year=2020
  4. Jessica Dogaojo, “Is blockchain relevant in ASEAN energy systems,” Enlist Asia, 16/11/2020. [Online]. Available: https://www.enlit.world/asia-feature-articles/is-blockchain-relevant-in-asean-energy-systems
  5. Alita Sharon, “Malaysia and Australia Sign Peer-to-peer Energy Trading Tech Deal,” Opengovasia. [Online]. Available: https://opengovasia.com/malaysia-and-australia-sign-peer-to-peer-energy-trading-tech-deal/#:~:text=Malaysia's%20Sustainable%20Energy%20Development%20Authority,to%20start%20later%20this%20year.
  6. “Singapore Set to Get a New Peer-to-Peer Renewable Trading Platform,” Mercomindia, 31/07/2020. [Online]. Available: https://mercomindia.com/singapore-renewable-trading-platform/
Chia sẻ: