Ông Alexey Sachik, phân tích khả năng vượt trội của công nghệ Multi-D.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tên gọi chung của chuỗi hai nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 đang trong dự án xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận, với tổng công suất trên 4.000 MW.
Tại Hội thảo Công nghệ Xây dựng, ngày 11/12, đại diện Công ty AF-Consult Switzerland, cho hay, các dự án điện hạt nhân yêu cầu lượng vốn đầu tư lớn. Do đó, yêu cầu các nhà thầu có năng lực cao, và có đủ khả năng để xử lý các vấn đề xuất phát từ dự án.
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân không chỉ là công trình phức tạp mà thiết bị cũng rất phức tạp, với yêu cầu cao nhất là an toàn, giảm tối đa các rủi ro có thể xảy ra.
Đặt cao vấn đề an toàn, hiệu quả, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) đã giới thiệu về công nghệ mô phỏng đa chiều tối tân đang được sử dụng trong thiết kế và xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân mà ROSATOM đang triển khai, trong đó có nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại Việt Nam.
Theo ông Alexey Sachik, đại diện công ty NIAEP, thuộc ROSATOM, Multi-D là công nghệ tích hợp, đa chiều giúp người dùng hữu hình hóa các thiết kế, quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời hỗ trợ đào tạo nhân sự bằng cách cập nhật thông tin, phân tích số liệu, tổng hợp dưới dạng đồ họa nhằm tạo môi trường có tính tương tác cao cho người dùng.
Các thiết kế nhà máy điện hạt nhân với công nghệ Multi-D được khởi tạo từ các giản đồ quy trình vận hành dưới sự hỗ trợ của các phần mềm đặc thù (các phần mềm giúp mô phỏng hoạt động của các thiết bị xử lý: ống dẫn, bình chứa; các thiết bị truyền động: van dẫn, thiết bị điện...
Ông Alexey Sachik khẳng định: 'Sau khi được điều chỉnh, các thông số kỹ thuật được tải vào giản đồ để hoàn tất quá trình. Toàn bộ các công đoạn chủ yếu được thực hiện trên môi trường 3D'.
Không chỉ tạo ra các định dạng 3D nhằm kiểm soát hữu hình các thiết kế cũng như quy trình vận hành phần cứng của nhà máy điện hạt nhân, ông Alexey Sachik nói: 'Multi-D vượt trội trong khả năng giám sát hoạt động, dự báo nguy cơ và cảnh báo người dùng'.
Theo ông Alexey Sachik, mỗi công nhân làm việc trên hiện trường đều được gắn thiết bị theo dõi. Tích hợp dữ liệu từ phía công nhân với chế độ làm việc của máy móc; Multi-D cập nhật tình hình, tiến độ làm việc một cách tổng thể cho bộ phận điều hành.
Nhằm đảm bảo công việc được thực hiện đúng kế hoạch, đại diện công ty NIAEP cũng cho hay, Multi-D có khả năng giao việc cho các nhà thầu theo từng tuần, thậm chí từng ngày.
'Nhờ vậy mà quá trình thi công tổ máy số 3 nhà máy điện hạt nhân Rostov của Nga đã hoàn thành trước kỳ hạn với quỹ thời gian và tài chính được tiết kiệm đáng kể', ông Alexey Sachik dẫn chứng.
Ngoài ra, theo ông Alexey Sachik, công nghệ này còn có thể hỗ trợ đào tạo nhân sự bằng cách tập giả định trên mô hình ảo, từ đó nâng cao chất lượng và an toàn trong lắp đặt, cũng như giảm thời gian thi công.
Multi-D đã vượt qua giới hạn của một phần mềm và đã trở thành công cụ kỹ thuật tối tân được triển khai tại hiện trường. Thiết kế tối ưu loại bỏ các nguy cơ từ bên trong lẫn bên ngoài; giám sát, đề xuất lịch trình làm việc hiệu quả; tạo dựng các mô hình đa chiều tương tác là các ưu điểm xuất sắc của công nghệ này.
Hiện tại, đại diện công ty NIAEP cho biết, Multi-D vẫn đang được nâng cấp và cải tiến. Dự kiến nếu được áp dụng chặt chẽ theo đúng bộ quy chuẩn, công nghệ này sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân tới 10%.
Triển lãm quốc tế về công nghệ, thiết bị, vật liệu xây dựng và công nghiệp mỏ - VIETCONSTECH 2014 do Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội từ ngày 10/12 đến 13/12. Năm nay, VIETCONSTECH tập trung giới thiệu những thành tựu và sự phát triển của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực: xây dựng, giao thông, công nghiệp, thủy lợi, thủy điện, vật liệu xây dựng... Trong khuôn khổ VIETCONSTECH, Hội thảo Công nghệ xây dựng diễn ra trong 2 ngày, ngày 11 và 12/12 với chủ đề: Thí nghiệm, kiểm định và quan trắc công trình xây dựng.
Nguồn: Nangluongvietnam.vn