Nhân viên “nhìn” thấy gì ở một doanh nghiệp có văn hóa mạnh ?
Theo Comparably - Trang web chuyên đo lường môi trường làm việc tại Mỹ, Zoom hiện đang xếp vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng “Giải thưởng văn hóa doanh nghiệp tốt nhất” hàng năm, vượt qua cả những “ông lớn” khác trong lĩnh vực công nghệ như Microsoft (xếp vị trí thứ 6) và Apple (xếp vị trí thứ 17). Giải thưởng này dựa trên thông tin từ các cuộc khảo sát ẩn danh do các nhân viên đánh giá công ty của họ trên trang Comparably (từ ngày 1 tháng 12 năm 2019 đến ngày 1 tháng 12 năm 2020) tại khu vực Bắc Mỹ.
Khảo sát bao gồm 50 câu hỏi xoay quanh các chỉ số văn hóa cốt lõi: lương thưởng, đặc quyền và lợi ích, mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sự phát triển và cơ hội nghề nghiệp, cảm nhận về văn hóa, đồng nghiệp, khả năng lãnh đạo và cảm nhận chung về hạnh phúc, tự hào và triển vọng công ty. Nhìn chung, những yếu tố cốt lõi tạo nên một nền văn hóa tuyệt vời vẫn nhất quán so với kết quả khảo sát từ các năm trước.
Nguồn: medium.com
Cụ thể, nhân viên kỳ vọng công ty đặt ra một sứ mệnh có ý nghĩa, một tập hợp các giá trị, mục tiêu và ưu tiên dẫn dắt đội nhóm. Ngoài ra, kết quả cuộc khảo sát chỉ ra rằng những nhân viên này muốn làm việc cho những công ty thích ứng với thời đại, cho dù đó là làm việc từ xa do đại dịch Covid-19 hay tập trung vào sự thay đổi đích thực trong sự đa dạng và hòa nhập. Họ cũng mong đợi sự minh bạch nơi các nhà lãnh đạo. Họ muốn làm việc cho các công ty phù hợp với giá trị của họ, với các nhà lãnh đạo có tinh thần phụng sự, chú trọng vào hạnh phúc và sự phát triển con người, cũng như cộng đồng xung quanh.
Triết lý văn hóa của Zoom
Khi nói đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Eric Yuan của Zoom phát biểu trong bài phỏng vấn với tạp chí Forbes năm 2019 rằng: “Thay vì chú trọng vào mục tiêu lợi nhuận, Zoom tự tin lựa chọn mang hạnh phúc đến các khách hàng hiện có và những nhân viên công ty, điều này sẽ giúp công ty tăng trưởng bền vững.” [4]
Eric Yuan (đứng giữa) và đồng nghiệp tại sự kiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tháng 4/2019.
Nguồn: Getty Images
Zoom xây dựng một “đội ngũ hạnh phúc” gồm 100 người là các tình nguyện viên nội bộ, nhằm kết nối 2.000 nhân viên trải khắp tám quốc gia. Nhóm này thường xuyên tổ chức các sự kiện sinh hoạt xã hội trực tuyến, tán dương nhân viên, giới thiệu các phòng ban và các văn phòng phân tán với nhau và các cuộc họp theo chủ đề.
Nguồn: Forbes.com
Zoom cho biết tỷ lệ nhân viên nghỉ việc của họ là 3% và tỷ lệ này hiện xếp thứ hai trong danh sách “Những nơi làm việc lớn tốt nhất tại Hoa Kỳ” theo thống kê của Glassdoor. Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Eric Yuan cho biết: 'Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng mọi người đạt được sự hài lòng cá nhân hơn và làm việc hiệu suất hơn khi họ gắn kết cao với công ty. Trước đây, chúng tôi đã làm điều đó thông qua các tương tác ảo, tương tác trực tiếp, nhưng đó là một thách thức đối với lực lượng lao động phân tán trong việc duy trì mức độ gắn kết với công ty. Cách tiếp cận này có thể thành công khi lực lượng lao động phân tán có văn hóa coi trọng và ưu tiên giao tiếp trực tiếp. Điều này không có nghĩa là sự tương tác giữa các văn phòng và phòng ban là bắt buộc, mà là được khuyến khích và thực hiện thông qua các cuộc họp trực tuyến được lên lịch thường xuyên, các sự kiện xã hội và vui chơi khác theo kế hoạch, các cuộc họp toàn công ty, v.v.” [4]
Chiến lược văn hóa “Mang lại hạnh phúc” của Zoom hướng đến ba đối tượng: Khách hàng; Cộng đồng; Đồng đội và bản thân, như minh họa trong hình vẽ dưới đây:
Các triết lý văn hóa của Zoom. Nguồn: https://zoom.us/about
Thay vì chú trọng vào cung cấp các bữa ăn miễn phí tại công ty hay không gian làm việc hào nhoáng, “ông chủ” Eric Yuan định hướng giá trị văn hóa cốt lõi tại Zoom chính là mang lại hạnh phúc cho khách hàng, nhân viên và cộng đồng. Bởi lẽ văn hóa doanh nghiệp thành công khi có sự đồng thuận của toàn thể nhân viên, điều cần được xây dựng một cách chân thực trên các nền tảng giao tiếp, thông cảm và tin tưởng.
Thực hiện: Duyên Anh
Tham khảo: