Đầu năm ngẫm chuyện chào hỏi nơi công sở

Lời chào cao hơn mâm cỗ

Trong tư tưởng Nho giáo, chữ “Lễ” đứng vị trí quan trọng thứ hai trong ngũ thường Nhân - Lễ -Nghĩa – Trí - Tín. Chữ “Lễ” ở đây bao hàm cả việc chào hỏi, ứng xử lễ phép, tôn trọng, đúng thứ bậc. Người Việt Nam cũng có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” thể hiện sự quan trọng của việc chào hỏi trong văn hóa Việt. Khác với hệ thống ngôn ngữ phương Tây, ngôn ngữ Tiếng Việt có sự phân chia tương đối phức tạp về đại từ nhân xưng (như ông, bà, chú, bác, cô, dì, anh, chị, v.v) và cũng sử dụng nhiều kính ngữ (như vâng, dạ, ạ, v.v). Vì vậy, từ nhỏ chúng ta đã được ông bà, bố mẹ, sau đó là thầy cô dạy cách chào hỏi sao cho phù hợp, đúng hoàn cảnh.

 Nguồn: Internet

Tuy nhiên, khi lớn lên, với rất nhiều những lo toan trong công việc và cuộc sống, chúng ta dần xem nhẹ việc chào hỏi, đặc biệt là trong môi trường công sở. Có thể dễ dàng bắt gặp những người, khi vừa tới công ty đã vội vã vùi đầu vào công việc. Hay có một số người vừa ăn vội bữa sáng, vừa tranh thủ buôn chuyện với đồng nghiệp, nhưng khi thấy sếp hay phòng ban khác đi qua thì lại lảng tránh việc chào hỏi. Trong tâm lý dân công sở, có đôi lúc chúng ta lo sợ rằng việc chào hỏi thân thiết với cấp trên có thể mang đến cho ta nhiều thị phi và những rắc rối không đáng có. Thậm chí nếu nhân viên chủ động chào hỏi sếp đôi lần nhưng sếp “làm ngơ”, cũng tạo nên tâm lý e dè, ngại tiếp xúc và tệ hơn là hai bên cùng “làm ngơ” trong những lần gặp sau. Hoặc cũng có trường hợp đồng nghiệp vì không quen biết và ngại không biết nói gì tiếp theo nên chọn cách lảng tránh những lời chào.

Thực tế, việc chào hỏi không phức tạp như chúng ta nghĩ. Lời chào đôi khi chỉ đơn giản là một câu “Chào buổi sáng” trong thang máy, một câu hỏi thăm “Anh/chị đã ăn sáng chưa?”, hay một lời mời “Anh uống café không, em làm thêm cho anh một ly nhé?” cùng với một nụ cười thật tươi. Chỉ đơn giản như vậy nhưng lời chào lại mang đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời mà dân công sở có thể đã bỏ lỡ:

  • Thứ nhất, lời chào, đặc biệt là chào buổi sáng, giúp bầu không khí ngày mới trở nên tươi vui, tích cực, giúp cải thiện tinh thần làm việc cho cả chúng ta và những người xung quanh;
  • Thứ hai, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thực vậy, lời chào là thứ miễn phí nhưng lại có công dụng gắn kết tuyệt vời. Nếu ta không phải là người giỏi ăn nói, thì những câu chào hỏi đơn giản nhưng lịch sự, đúng mực sẽ giúp ta ghi điểm với đồng nghiệp là một người thân thiện và lịch sự;
  • Thứ ba, chào hỏi là nền tảng giúp chúng ta xóa bỏ sự gượng gạo, khó xử trong giao tiếp. Trong công việc, có lúc chúng ta sẽ cần phải làm việc với các phòng ban khác tưởng chừng như không liên quan. Nếu bình thường chúng ta có chào hỏi, làm quen với họ trước, tới khi có việc cần hợp tác, chúng ta cũng dễ dàng mở lời, đối phương cũng sẽ sẵn lòng giúp đỡ hơn;
  • Thứ tư, văn hóa chào hỏi góp phần xây dựng một môi trường làm việc bình đẳng. Ngày nay, không chỉ có nhân viên chào hỏi sếp, người nhỏ chào người lớn, mà ngược lại các lãnh đạo cũng chào và hỏi thăm cấp dưới. Điều này, không chỉ giúp tạo nên sự thân thiện và gần gũi giữa lãnh đạo với nhân viên, mà còn khiến nhân viên thêm gắn kết với công ty, khiến họ có niềm tin vào một môi trường làm việc văn minh, bình đẳng nơi mỗi cá nhân đều có giá trị và được tôn trọng.

Nếu công ty xây dựng được văn hóa chào hỏi, điều này còn giúp doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng và đối tác.  

Chào hỏi thế nào cho đúng mực?

Nhận thức được tầm quan trọng của lời chào, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm và đưa văn hóa chào hỏi vào đào tạo cho lãnh đạo và các nhân viên tiềm năng của họ, bên cạnh các quy tắc ứng xử trong kinh doanh (business etiquettes) khác như phong cách ăn mặc, giao tiếp, viết email…

Đối với mỗi nền văn hóa, sẽ có những đặc trưng riêng trong việc chào hỏi mà chúng ta cần tìm hiểu khi làm việc chung. Tuy nhiên, để việc chào hỏi được đúng mực và mang lại hiệu quả trong giao tiếp, cần chú ý các điểm sau:

Nguồn: Internet

  • Hãy đứng lên khi chào hỏi: Đứng lên khi bạn gặp ai đó vừa thể hiện sự tôn trọng vừa giúp chúng ta dễ dàng tiếp xúc bằng mắt với đối phương. Trong một số trường hợp, khi bạn không thể đứng lên, hãy nhẹ nhàng xin lỗi và giải thích là vị trí mình ngồi đang không tiện đứng lên.
  • Hãy mỉm cười và giao tiếp bằng mắt: Khi bạn bước vào phòng hoặc có người khác bước vào phòng hãy mỉm cười và giao tiếp bằng mắt với họ. Hai ngôn ngữ hình thể này là cách đơn giản và hiệu quả để thể hiện bạn đang vui và có hứng thú bắt chuyện với họ, trước khi có nói lời chào hay có tiếp xúc vật lý khác.
  • Chủ động giới thiệu và bắt tay: Đừng đợi người khác giới thiệu nếu bạn được một người không quen tiếp cận. Đảm bảo cung cấp đủ thông tin để người ấy biết lý do tại sao hai bạn nên nói chuyện. Ví dụ: nói 'Chào anh/chị, tôi là Nguyễn Văn A, tôi phụ trách bộ phận kinh doanh của công ty chúng ta…'.
    Ngoài ra, đừng chỉ giới thiệu mỗi tên. Bạn cũng có thể kết hợp việc chào hỏi bằng một cái bắt tay. Khi bắt tay, bạn cần chú ý không siết quá chặt, nhưng cần giữ cổ tay chắc chắn, không lỏng lẻo, thời gian bắt tay đủ lâu để hai bên giới thiệu tên, nhưng không quá lâu khiến cả hai thấy không thoải mái.

  • Luôn lắng nghe và ghi nhớ tên: Luôn tập trung khi ai đó giới thiệu bản thân và cố gắng ghi nhớ tên người đó. Nếu bạn chưa nghe rõ tên của ai đó, hãy lịch sự yêu cầu họ lặp lại. Khi bạn đã chắc chắn về cái tên đó, hãy cố gắng nói lại với anh/chị ấy, chẳng hạn như: 'Rất vui được gặp anh/chị A ạ!'.

Trong những ngày Tết Nguyên Đán vừa qua, đi tới đâu chúng ta cũng nhận được những lời chào hỏi cùng với lời chúc tốt đẹp cho năm mới. Thói quen này đã trở thành một tập quán đẹp trong văn hoá của người Việt Nam.Vậy tại sao chúng ta không duy trì những lời chào hỏi, những lời hay ý đẹp ấy xuyên suốt trong năm?

Nhân dịp năm mới, hãy thử mở lòng mình, không chỉ dừng lại ở việc chào hỏi những người đồng nghiệp mà chúng ta đã biết, mà hãy chào hỏi và chúc một ngày mới tốt lành với cả những cô chú lao công, những người đồng nghiệp mà chúng ta ít tiếp xúc hay những vị cấp trên mà chúng ta trước giờ ngại chạm mặt. Chỉ bằng việc thay đổi những thói quen nhỏ như chào hỏi trong công ty, mỗi người chúng ta đã có thể cùng nhau tạo nên sức lan tỏa to lớn, góp phần xây dựng một môi trường làm việc thật hạnh phúc và bình đẳng.

Thực hiện: Duyên Anh

Tham khảo:

  1. 5 reasons why saying “good morning” to office colleagues is a good practice. (n.d.). Thehappinessfirm. https://www.thehappinessfirm.com/single-post/2018/07/11/5-reasons-why-saying-good-morning-to-office-colleagues-is-a-good-practice
  2. Tejada, C. (2020, January 3). Saying “Good Morning” To A Co-Worker Can Make Them Feel Valued. HuffPost Canada. https://www.huffingtonpost.ca/entry/say-good-morning-co-worker_ca_5e0f4b1fc5b6b5a713b92379
  3. Dodgson, L. (2017, January 5). Why You Should Greet Your Co-Workers Every Day. Inc.Com. https://www.inc.com/business-insider/why-you-should-greet-your-co-workers-everyday.html#:%7E:text=It%20reduces%20awkwardness,getting%20to%20know%20people%20better.
  4. Harness, J. (2019, May 8). Proper Business Etiquette for Greeting People. Bizfluent. https://bizfluent.com/way-5860572-proper-business-etiquette-greeting-people.html
Chia sẻ: