Bí quyết… tăng giá cổ phiếu từ cách mạng văn hóa doanh nghiệp tại Microsoft

Quyết tâm vực dậy tình đoàn kết Microsoft từ “bãi chiến trường”

Năm 2017, trong cuốn sách “Hit refresh” của mình, Satya Nadella - CEO thứ 3 của tập đoàn công nghệ Microsoft, đã miêu tả văn hóa của Microsoft tại thời điểm ông tiếp quản vị trí CEO: “Sự sáng tạo bị thay thế bởi quan liêu. Làm việc nhóm bị che lấp bởi chính trị nội bộ. Chúng ta đã bị tụt lại phía sau”.

Satya Nadella – CEO đương nhiệm của Microsoft cùng các CEO tiền nhiệm: Steve Ballmer và Bill Gates. Nguồn: Internet.

Thậm chí, năm 2011, một nhân viên của Microsoft đã sáng tạo bức tranh biếm họa về sự xung đột nội bộ giữa các phòng ban, minh chứng cho sự thất bại văn hóa này như sau:

Văn hóa tại Microsoft trước khi Satya Nadella trở thành CEO. Nguồn: Internet.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Nadella đặt mục tiêu thiết lập lại văn hóa công ty thành ưu tiên hàng đầu. Ươm mầm ý tưởng từ cuốn sách mang tên “Tâm lý học thành công” (tên tiếng Anh: “Mindset: The New Psychology of Success”) của Giáo sư Tâm lý học Carol S. Dweck tại Đại học Stanford (Mỹ), ông định hướng tái thiết lập văn hóa với triết lý “tư duy phát triển”. Theo đó, mọi người hình thành niềm tin rằng ai cũng có thể phát triển bản thân bằng cách thúc đẩy tiềm năng của họ, loại bỏ định kiến, và quan trọng hơn hết, bất kì ai cũng có thể thay đổi tư duy. Mục tiêu là chuyển đổi từ lối suy nghĩ “biết tất cả” thành “học tất cả”.

Cụ thể, nhân viên tại Microsoft được định hình lại cách suy nghĩ như sau:

  • Sẵn sàng học hỏi
  • Chấp nhận rủi ro, linh hoạt xử lý khi mắc sai lầm, nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn trên con đường dẫn đến thành công
  • Tiếp nhận những ý tưởng khác biệt.

Văn hóa mới tại Microsoft. Nguồn: Microsoft.

Khi bí quyết hoá giải khúc mắc đến từ bên dưới

Ý tưởng đổi mới văn hóa của Nadella không chỉ dừng lại trên giấy. Thay vào đó, ông thực thi bằng loạt các hoạt động nội bộ nhằm khai phá tiềm năng của nhân viên:

  • Chương trình tái định nghĩa tài năng: Mỗi năm, CEO và đội ngũ lãnh đạo cấp cao của ông gặp gỡ những người đứng đầu từng bộ phận, để xem xét nhân viên của họ, thảo luận về việc thăng tiến và luân chuyển nhân sự, đồng thời đưa ra các giải pháp nâng cao kỹ năng và xây dựng kinh nghiệm. Mặc dù các hoạt động này tiêu tốn khoảng một tuần của CEO, nhưng điều này cho phép Microsoft xác định và phát triển tài năng sớm, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho mọi người.

Nguồn: hbr.org

  • Cuộc đua ý tưởng: Hàng năm, Microsoft tổ chức một cuộc thi giúp các nhân viên tạm gác các công việc thường nhật và phát triển kỹ năng lãnh đạo như hợp tác giữa các phòng ban và ủng hộ những ý tưởng mới. Một nhân viên đưa ra ý tưởng về kinh doanh hoặc đóng góp cho xã hội. Sau đó, những người khác có chung sở thích sẽ đăng ký lập nhóm để cùng nhau phát triển kế hoạch kinh doanh, tạo mẫu thử nghiệm và quảng bá toàn công ty. Đôi khi các thành viên trong nhóm chuyển sang vai trò lãnh đạo, ngay cả khi họ chưa có kinh nghiệm lãnh đạo trước đó.

Các đội chiến thắng được tài trợ để thực thi các dự án của họ. Ví dụ: công cụ học tập mang tên OneNote (giúp người dùng cải thiện kỹ năng đọc và viết) được xây dựng sau cuộc thi này, hiện nhóm tác giả đang giám sát việc mở rộng thị trường của sản phẩm.

Satya Nadella đã làm nên điều kỳ diệu: thay đổi văn hóa cả một tập đoàn công nghệ tầm cỡ thế giới. Bằng cách tạo cho nhân viên cơ hội phát triển bản thân, Microsoft không những tạo được môi trường làm việc lý tưởng mà còn mang đến những ý tưởng kinh doanh đột phá.

Phải chăng thành công lớn bắt nguồn từ những thay đổi nhỏ đến từ bên trong?

Thực hiện: Duyên Anh

Nguồn tham khảo:

  1. Richter, F. (2019, July 19). Microsoft’s Share Price Quadrupled Under Satya Nadella. Statista. https://www.statista.com/chart/16903/microsoft-stock-price-under-satya-nadella/
  2. Business Insider. (2020, March 7). PRESENTING: Satya Nadella employed a “growth mindset” to overhaul Microsoft’s cutthroat culture and turn it into a trillion-dollar company — here’s how he did it. https://www.businessinsider.com/microsoft-ceo-satya-nadella-company-culture-shift-growth-mindset-2020-3
  3. Hogan, K. (2017, October 10). 10 things we’ve learned about culture. Linkedin. https://www.linkedin.com/pulse/10-things-weve-learned-culture-kathleen-hogan/?=
  4. Dweck, C., & Hogan, K. (2016, October 7). How Microsoft Uses a Growth Mindset to Develop Leaders. https://hbr.org/2016/10/how-microsoft-uses-a-growth-mindset-to-develop-leaders
Chia sẻ: