Bối cảnh phát triển điện hạt nhân
Tham quan thực tế ảo – Nhà máy điện hạt nhân Dukovany
Cộng hòa Séc hiện có khoảng một phần ba điện năng được cấp từ bốn tổ máy VVER-440 tại nhà máy điện hạt nhân Dukovany, bắt đầu vận hành trong giai đoạn 1985-1987 và hai tổ máy VVER-1000 tại nhà máy điện hạt nhân Temelín, vận hành từ các năm 2000 và 2002. Tổng công suất điện của sáu tổ máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ của Nga này là 4.212 MW. Tập đoàn CEZ sở hữu và vận hành cả hai nhà máy điện hạt nhân đó có tỷ lệ vốn nhà nước chiếm gần 70%.
Nhà máy điện hạt nhân Temelin – Nhà máy điện lớn nhất của Séc. (Nguồn: Vaclav Pancer/picture alliance)
Ngay từ năm 2004 Chính sách năng lượng quốc gia của Séc đã đưa ra tầm nhìn về việc mở rộng điện hạt nhân thêm từ hai tổ máy trở lên. Đến tháng 7 năm 2008 Séc công bố kế hoạch xây dựng bổ sung hai tổ máy tại nhà máy Temelín (nâng tổng suất nhà máy lên 3.400 MW), dự kiến bắt đầu thi công xây dựng vào năm 2013 và đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành vào năm 2020.
Hồ sơ mời thầu chìa khóa trao tay cho hai tổ máy điện hạt nhân (Temelín 3&4) được Tập đoàn CEZ phát hành chính thức vào tháng 10 năm 2011, các hồ sơ chào thầu đã được ba nhà dự thầu (Liên danh do Westinghouse đứng đầu; liên danh Skoda JS/Atomstroyexport/OKB Gidropress; và Areva) trình vào tháng 7 năm 2012.
Tuy nhiên, do vấn đề vướng mắc về giá điện mà quá trình lựa chọn nhà thầu không tiến triển, cụ thể:
Chính phủ tiền nhiệm có kế hoạch pháp lý hóa sự bảo đảm chênh lệch giá điện đối với điện năng của hai tổ máy Temelín 3&4 để đảm bảo đầu tư có hiệu quả. Sự bảo đảm này bù đắp cho khoảng chênh lệch giữa giá điện bán buôn và các mức giá điện cần thiết để chi trả cho các chi phí đầu tư xây dựng. Ước tính tác động của sự bảo đảm này có thể làm tăng 10% trên các hóa đơn điện bán lẻ. CEZ đề xuất mức 70 Euro/MWh để các tổ máy mới có thể đem lại lợi nhuận, trong khi giá điện kỳ hạn vào giữa năm 2013 thấp hơn 40 Euro/MWh. Thủ tướng chính phủ được bầu vào năm 2013 tuyên bố chính phủ không sẵn sàng cho việc bảo đảm giá mà sẽ đem lại gánh nặng lớn cho người tiêu thụ. Tập đoàn CEZ phản hồi rằng họ cần một hình thức bảo đảm giá dài hạn, nếu không họ sẽ bỏ dự án.
Tiếp theo đó, vào tháng 4 năm 2014 CEZ thông báo hủy thầu căn cứ theo Luật mua sắm công với lý do chính phủ không đưa ra sự bảo đảm cho giá điện trong tương lai.
Năm 2015 Cộng hòa Séc ban hành Chính sách năng lượng quốc gia, đề ra mục tiêu mở rộng phát triển điện hạt nhân để chiếm khoảng 46% đến 58% vào năm 2040. Đến đầu năm 2016, Chính phủ Séc thành lập Ủy ban phát triển điện hạt nhân quốc gia do Thủ tướng đứng đầu.
Bộ Công thương đề nghị Tập đoàn CEZ thành lập công ty con để chuẩn bị các kế hoạch xây dựng và tìm kiếm các phương án tài chính cho các tổ máy điện hạt nhân xây dựng mới.
Nhà máy điện hạt nhân Dukovany (Nguồn: CEZ)
Cuối năm 2016 có sáu nhà thầu trình hồ sơ đề xuất xây dựng tổ máy điện hạt nhân tại Dukovany, gồm: Rusatom Overseas, EDF và Areva, Atmea (Liên danh Areva-Mitsubishi Heaby Industries), China General Nuclear Group, Korea Hydro and Nuclear Power (KHNP) và Westinghouse. Đầu năm 2017 CEZ tiến hành đàm phán với các nhà dự thầu này.
Vào tháng 2 năm 2020 Atmea tuyên bố rút lui. Đến tháng 4 năm 2021 Cộng hòa Séc tuyên bố loại các nhà thầu Nga và Trung quốc ra khỏi quá trình đấu thầu.
Vào tháng 3 năm 2022 công ty Elektrárna Dukovany II (công ty con của CEZ) phát hành hồ sơ mời thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới tại Dukovany. Cuối tháng 11 năm 2022, CEZ thông báo đã nhận được hồ sơ chào sơ bộ từ EDF, Westinghouse và KHNP.
Đến tháng 10 năm 2023, Westinghouse, EDF và KHNP đã nộp các hồ sơ chào thầu có tính ràng buộc cho một tổ máy (tổ máy thứ năm) tại nhà máy điện hạt nhân Dukovany, cùng các hồ sơ chào không có tính ràng buộc cho tối đa ba tổ máy nữa, trong đó một tổ máy tại Dukovany và hai tổ máy tại nhà máy điện hạt nhân Temelín. Westinghouse đề xuất tổ máy loại AP1000, EDF đề xuất EPR1200, còn KHNP đề xuất APR1000.
Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2024, Chính phủ Cộng hòa Séc thông báo thay đổi hồ sơ mời thầu sang yêu cầu chào thầu có tính ràng buộc cho cả bốn tổ máy mới và đồng thời thông báo Westinghouse không còn nằm trong danh sách do "không đáp ứng các điều kiện cần thiết".
Thủ tướng Petr Fiala giải thích vào thời điểm đó rằng quyết định chuyển sang các hồ sơ chào thầu có tính ràng buộc cho cả bốn tổ máy là do kết quả đấu thầu ban đầu cho thấy việc ký hợp đồng cho bốn tổ máy, thay vì thực hiện các quá trình riêng rẽ, có thể giảm chi phí khoảng 25%.
Sau khi EDF và KHNP nộp hồ sơ chào có tính ràng buộc cho cả bốn tổ máy, CEZ tiến hành đánh giá và đến tháng 6 năm 2024 trình kết quả đánh giá thầu lên Chính phủ Séc.
Vào tháng 7, Chính phủ Séc công bố KHNP là nhà thầu ưu tiên, bắt đầu đàm phán hợp đồng để ký hợp đồng cho tổ máy đầu tiên trước cuối tháng 3 năm 2025, với mục tiêu đưa tổ máy này vào vận hành thử nghiệm năm 2036 và vận hành thương mại vào năm 2038. Ông cho biết hồ sơ thắng thầu "theo đánh giá của các chuyên gia là hồ sơ chào các điều kiện tốt hơn ở hầu hết các tiêu chí đánh giá, kể cả về giá". Hồ sơ chào thầu của KHNP chào giá khoảng 200 tỷ CZK (khoảng 8,6 tỷ USD) cho mỗi tổ máy nếu ký hợp đồng cho cả hai tổ máy.
Quyết định của Séc về việc lựa chọn nhà thầu Hàn Quốc làm điện hạt nhân gây bất ngờ ở Châu Âu. Ông Martin Jirusek, Phó giáo sư Đại học Masaryk ở Brno, chuyên gia về địa chính trị năng lượng, trả lời DW: “Đây là điều ngạc nhiên. Không chỉ từ quan điểm kỹ thuật hay chi phí mà còn từ góc nhìn địa chính trị. Điều có thể ngầm được thừa nhận rằng Pháp là một lựa chọn tự nhiên bởi vì đây là quốc gia quan trọng trong Liên minh Châu Âu và là đối tác giá trị đầy tiềm năng của Séc trong lĩnh vực điện hạt nhân”.
Và vấn đề vụ kiện của EDF
EDF đã đệ đơn kiện lên tòa án khu vực tại Brno sau khi Cục Bảo vệ cạnh tranh (UOHS) của Cộng hòa Séc vào ngày 24 tháng 4 đã từ chối xem xét sự phản đối của EDF đối với quy trình lựa chọn công ty Hàn Quốc vào năm ngoái.
Trong khi đó, sau quyết định của cơ quan giám sát, được đưa ra do xét thấy quá trình đấu thầu “đã được tiến hành trên cơ sở đặc biệt an toàn", việc ký kết hợp đồng dự kiến sẽ được tiến hành. Phái đoàn đại biểu gồm các lãnh đạo cấp cao của KHNP và đại diện chính trị của Hàn Quốc đã tới Cộng hòa Séc để chuẩn bị cho sự kiện này, dự kiến vào ngày 7 tháng 5 năm 2025.
Theo bản tin ngày 6 tháng 5 năm 2025 của World Nuclear News, Tòa án khu vực tại Cộng hòa Séc, sau khi xem xét đơn kiện của EDF, đã ban hành lệnh cấm tạm thời ngăn chặn việc ký kết hợp đồng xây dựng các tổ máy điện hạt nhân mới tại Nhà máy điện hạt nhân Dukovany, với KHNP.
Tòa án khu vực đã phát lệnh cấm này – kéo dài cho đến khi vụ kiện của EDF được xét xử hoàn toàn – vì lý do: "hậu quả nghiêm trọng đe dọa đến lợi ích của nguyên đơn (EDF)... nếu hợp đồng được ký kết thì nhà thầu Pháp sẽ mất cơ hội không thể bù đắp trong việc giành được hợp đồng công, ngay cả khi tòa án tuyên thắng trong vụ kiện". Tòa án khu vực cũng cho biết, kháng cáo chống lại quyết định này có thể được trình lên Tòa án hành chính tối cao.
Trong một tuyên bố trên website, tòa án khu vực nói về quyết định của mình: "Đây là một hợp đồng công quan trọng... tòa án nhận thấy rằng quyết định này sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực do có thể gây chậm trễ việc xây dựng các tổ máy điện hạt nhân mới tại Dukovany. Tuy nhiên, những hậu quả đó không lớn bằng lợi ích của việc tuân thủ pháp luật và đảm bảo sự xét xử tố tụng hiệu quả".
Tòa án cho biết đã thực hiện đánh giá sơ bộ về "tính nghiêm trọng và giá trị pháp lý" của khiếu nại, cho rằng EDF không thấy thỏa đáng với quyết định của Cục cạnh tranh Séc về việc EDF không có thẩm quyền gì để xem xét cách thức tiến hành quy trình đấu thầu.
"Tòa án khu vực tại Brno đã đánh giá sơ bộ các lập luận của nguyên đơn (EDF) là phù hợp và khá vững chắc, do đó đã ban hành lệnh cấm tạm thời. Điều này không có nghĩa là nguyên đơn sẽ thắng trong các thủ tục pháp lý tiếp theo. Tòa có thể thay đổi ý kiến sơ bộ về hành động pháp lý sau khi xem xét các phần bổ sung, phản hồi của các bên trong quá trình tố tụng và hồ sơ hành chính".
Sau quyết định của tòa, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala đã đưa ra một tuyên bố ngắn trên mạng xã hội: "Chúng tôi ghi nhận quyết định của tòa án độc lập. Chúng tôi tin rằng quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu đã được tiến hành công bằng và phù hợp với luật pháp hiện hành. Trong việc lựa chọn nhà cung cấp, các yếu tố chủ chốt là mức độ khả dụng cung cấp điện với giá hợp lý cho người dân và doanh nghiệp, cùng với các giá trị đảm bảo tốt nhất. Tôi tin rằng tòa án sẽ nhận thức toàn diện các bối cảnh và rủi ro, và sẽ quyết định nhanh chóng".
Trước quyết định của tòa án này, Tập đoàn CEZ cho biết rằng công ty dự án Elektrárna Dukovany II của họ đã thực hiện quá trình đấu thầu "hoàn toàn minh bạch trong mọi giai đoạn và đảm bảo các điều kiện hoàn toàn công bằng”, khẳng định ngay từ ban đầu, quá trình được đặt dưới sự an ninh đặc biệt, và các chuyên gia quốc tế (KPMG) cùng Cục cạnh tranh, đều thống nhất với quy trình được áp dụng.
Họ tuyên bố: "Chúng tôi tin chắc rằng, trong trường hợp này, lợi ích thương mại của một công ty tư nhân chắc chắn không thể lớn hơn lợi ích công cộng trong việc đảm bảo đủ điện năng cho người dân và an ninh năng lượng quốc gia Cộng hòa Séc".
Và họ còn đưa ra sự thách đố đến EDF: "Chúng tôi khẳng định rằng bản chào của KHNP đem lại nhiều thuận lợi hơn cho Cộng hòa Séc ở tất cả các thông số so với bản chào của EDF. Để giải tỏa mọi nghi ngại, chúng tôi kêu gọi EDF công bố bản chào của họ ngay lập tức”.
Họ bổ sung rằng sẽ tôn trọng các quyết định của tòa án, nhưng sẵn sàng hành động để "đòi bồi thường thiệt hại" nếu vụ kiện bị chứng minh là "không có căn cứ".
Trong bối cảnh đó, từ Ủy ban Châu Âu, ngày 02 tháng 5 năm 2025, một ủy viên người Pháp đã gửi thư cho Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc, đề nghị hoãn ký hợp đồng với KHNP.
Như vậy, từ khi có định hướng mở rộng điện hạt nhân vào năm 2004, hơn 20 năm sau, câu chuyện lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án điện hạt nhân của Cộng hòa Séc vẫn đối diện với nhiều thách thức, trở ngại.
Thực hiện: PECC2-TR&D
Tham khảo:
1. Nuclear Power in Czech Republic - World Nuclear Association
2. EDF court injunction blocks Czech-KHNP contract signing - World Nuclear News
3. Surprise as Czechia picks S. Korea to power nuclear drive – DW – 07/23/2024
4. Commission letter raised questions over Czech nuclear contract timing - Euractiv