Khám phá bí ẩn đằng sau những giao tiếp phi ngôn ngữ

Nguồn: Internet

Quyền năng của cơ thể trong giao tiếp

Theo di truyền học, con người được lập trình để tìm kiếm các dấu hiệu trên khuôn mặt và gợi ý về hành vi để nhanh chóng hiểu ý nghĩa của chúng. Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu phát hiện rằng ngôn ngữ cơ thể khá “đáng tin” nhờ vào đặc tính tự nhiên và vô thức. Chúng cho phép truyền tải cảm xúc thật của người nói, điều rất khó nhận biết nếu chỉ đơn thuần dựa vào những gì chúng ta nghe từ đối phương.

Điều này lý giải tại sao chúng ta dễ chú ý đến ánh mắt, biểu cảm gương mặt… của một người khi trò chuyện, sau đó “giải mã” những dấu hiệu này để suy đoán thái độ của họ (thờ ơ hay quan tâm).

Mỗi nền văn hóa khác nhau sẽ mang những đặc trưng ngôn ngữ cơ thể riêng. Ví dụ, người Việt Nam gật đầu khi đồng ý, nhưng đối với người Ấn Độ, đồng ý là khi họ lắc đầu. Nếu không hiểu rõ đặc trưng trong giao tiếp của từng nền văn hóa, chúng ta có thể gặp phiền toái. Báo Business Insider đưa ra những ví dụ “gây sốc” về ý nghĩa khác nhau của ngôn ngữ cơ thể trên thế giới như sau:

Nguồn: Business Insider

Bí quyết giao tiếp không lời tạo lòng tin trong công việc

Bên cạnh hình thức trao đổi thông tin qua email, giao tiếp “face-to-face” là điều khó tránh khỏi, từ trò chuyện, hội họp, tiệc công ty…. Việc tường tận ý nghĩa của hình thức giao tiếp thú vị này sẽ phần nào giúp chúng ta dễ dàng tạo thiện cảm với những người xung quanh.

Một số gợi ý sau đây để xây dựng lòng tin trong tại công sở theo Tạp chí Inc.:

  • Duy trì giao tiếp bằng mắt với người đối diện;
  • Duy trì tư thế đẹp (đứng/ngồi thẳng lưng) để thể hiện sự tự tin. Bạn cũng có thể ngồi tựa vào ghế để cho đối phương biết bạn đang lắng nghe họ;
  • Mỉm cười (nhưng không giả tạo);
  • Lặp lại biểu cảm của người đối diện để thể hiện sự chú ý và quan tâm của bạn.

Ngoài ra, một số dấu hiệu sau đây sẽ gây “mất điểm” trong một cuộc đối thoại:

  • Hạn chế giao tiếp bằng mắt;
  • Tập trung vào điện thoại hơn là người đối diện;
  • Nói quá nhanh (biểu hiện của sự lo lắng và thiếu thành thật);
  • Ít biểu cảm phản hồi;
  • Sử dụng nhiều từ “nhưng”.

Có thể thấy ngôn ngữ hình thể là một nhân tố quan trọng chi phối tính hiệu quả của cuộc giao tiếp. Ngoài ra, mỗi nền văn hóa khác nhau trên thế giới có cách “giải mã” thể loại ngôn ngữ này theo cách của họ. Hiểu biết về ý nghĩa của từng loại biểu cảm cho phép chúng ta đạt được mục đích giao tiếp, cũng như xây dựng mối quan hệ hòa hợp với mọi người.

Tổng hợp: Duyên Anh

Tham khảo:

1. Jeanne Segal, Melinda Smith, Lawrence Robinson, and Greg Boose. Nonverbal communication. June 2019. https://www.helpguide.org/articles/relationships-communication/nonverbal-communication.htm;

2. Kathleen Elkins and Mike Nudelman. The shocking differences in basic body language around the world. March 17, 2015. https://www.businessinsider.com/body-language-around-the-world-2015-3;

3. Katie Horne. Powerful body language tips to help you climb the success ladder. July 14, 2019. https://digital.com/blog/body-language/

4. Young Entrepreneur Council. 14 Negative Body Language Signals And Speech Habits To Avoid. May 4, 2018. https://www.forbes.com/sites/theyec/2018/05/04/14-negative-body-language-signals-and-speech-habits-to-avoid/#c24f94c22f58.

Chia sẻ: