Bạn đã có bản kế hoạch phát triển cá nhân của mình chưa?

Nguồn: Forbes.com

Đâu là lúc ta nên bắt đầu thay đổi?

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nghỉ hưu ở tuổi 56, nhưng Donald Trump lại bắt đầu công việc được xếp vào loại “áp lực nhất thế giới” ở tuổi 71. Vậy thì ta có muộn cho những bước tiến mới trong cuộc sống hay không? Và ta muốn tiến về đâu?

Ắt hẳn chúng ta có đôi lần băn khoăn suy nghĩ: tiếp tục an phận với cách sống hiện tại, hay nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân để phát triển?

Thực tế, không có tiêu chuẩn, công thức chung cho thành công hay hạnh phúc. Trước khi muốn trở thành một người có tầm ảnh hưởng với công ty, với cộng đồng hay thậm chí là cả thế giới, điều đầu tiên ta cần chính là tự nhận thức lại bản thân. Đó là khi bạn biết được bản thân thực sự là ai, giá trị nào mình muốn theo đuổi. Từ đó, ta mới có được những mục tiêu hợp lý của riêng mình.

Nguồn: esquireme.com

Xác định mục tiêu chính là bước đầu của việc suy ngẫm về kế hoạch phát triển bản thân. Tuy nhiên, đôi khi, cách nhanh nhất để không bao giờ hoàn thành được các mục tiêu chính là… đặt ra mục tiêu quá lớn, quá lý tưởng. Bí quyết ở đây là chia nhỏ mục tiêu (dài hạn, trung hạn, ngắn hạn). Việc này sẽ giúp chúng ta tránh khỏi trạng thái căng thẳng và trì hoãn. Những người chần chừ thường đợi đến phút cuối cùng, họ cảm thấy choáng ngợp và nhiệm vụ dường như không thể vượt qua. Bằng cách đặt các ưu tiên theo từng giai đoạn, chia mục tiêu lớn thành các mục tiêu nhỏ hơn, công việc sẽ dễ quản lý và ít đáng sợ hơn[1]. Mỗi lần chinh phục được một mục tiêu, trong bạn sẽ tràn ngập cảm giác hạnh phúc và tự hào, tâm trí được sản sinh ra năng lượng tích cực thúc đẩy bạn sẵn sàng cho những mục tiêu kế tiếp.

Đối diện cạm bẫy từ sự trì hoãn, thu hẹp khoảng cách giữa “muốn” và “làm”

Soạn một bản kế hoạch phát triển bản thân hoàn hảo từng chi tiết không quá khó. Làm được nó mới là vấn đề. Vì ta còn bận… “để mai làm”, nói rộng ra, ta mắc căn bệnh trì hoãn.

Giả sử bạn đang băn khoăn chọn lựa giữa ngồi vào bàn đọc một cuốn sách chuyên ngành với ngồi xem một bộ phim nhiều tập đang “hot” để giải trí, lúc ấy, tâm trí sẽ so đo: “Mặc dù nhiệm vụ đọc sách đã viết sẵn trong “to-do list” hôm nay, nhưng việc đọc sách chưa gấp, có thể dời lại ngày mai kia mà”. Tiếp theo, “cảm xúc” sẽ lên tiếng: cảm giác thích thú, hào hứng khi xem phim rõ ràng là hấp dẫn hơn cảm giác đọc tài liệu chuyên ngành khô khan. Thế là, nhu cầu giải trí giành chiến thắng!

Nguồn: cognitiontoday.com

Có thể thấy rằng người có xu hướng trì hoãn sẽ đề cao cảm giác thoải mái khi tận hưởng thời gian rảnh rỗi hơn việc hoàn thành mục tiêu. Nghiên cứu của Đại học DePaul chỉ ra rằng: “Chúng ta trì hoãn khi bộ não của chúng ta tràn ngập những cảm xúc mâu thuẫn. Khi ấy, cảm giác của chúng ta sẽ giành chiến thắng”[2].

Tuy nhiên, nếu kế hoạch cứ mãi bị dời lại ngày này qua tháng nọ, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được mục tiêu. Ngoài ra, hành vi này còn gây cảm giác tiêu cực về bản thân, dẫn đến mất động lực. Để thay đổi thói quen trì hoãn, con người cần cái gọi là “năng lực tạo động lực”[3].

Bạn có đủ khát khao thành công? Bạn có sẵn sàng đánh đổi một số thứ để đạt được mục tiêu của mình? Nếu câu trả lời là “không”, nghĩa là động lực bên trong của bạn chưa đủ lớn. Và bạn chưa sẵn sàng chấp nhận hy sinh (chẳng hạn thói quen cũ, thời gian rỗi, v.v…) để nhường chỗ cho một cái gì đó mới và có giá trị cao hơn đối với bạn.

Người ta hay nhắc đến giai thoại phát minh bóng đèn với 10.000 thử nghiệm của Thomas Edison như là bài học vĩ đại về lòng kiên trì. Nhưng thử hỏi nếu ngài Edison cũng vì trì hoãn mà mãi… không bắt đầu với lần thử nghiệm đầu tiên, ông sẽ chẳng có nổi sự say mê cho 9.999 lần còn lại. Nếu không bắt đầu, chúng ta thậm chí không có gì để bỏ cuộc!

Benjamin Franklin từng nói: “Thất bại trong việc chuẩn bị chính là chuẩn bị để thất bại”. Thành công trong việc lên kế hoạch phát triển bản thân chính là bước đầu để chúng ta chuẩn bị đón nhận thành công trong tương lai. Không chỉ là với cuộc sống cá nhân, mà trong môi trường công việc, việc sở hữu một bản kế hoạch phát triển cá nhân tốt còn thể hiện bạn là một con người có kỹ năng quản lý, tổ chức, giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà trường, nhà tuyển dụng, cũng như người quản lý. Bạn đã có bản kế hoạch phát triển cá nhân của mình chưa?

Thực hiện: Duyên Anh

Tham khảo:

1. Campus news. Break large tasks down into smaller, more manageable pieces (March 23, 2014). https://news.uga.edu/break-large-tasks-down-into-smaller-more-manageable-pieces/;

2. Gustavo Razzetti. How to win the emotional battle of procrastination. https://liberationist.org/how-to-win-the-emotional-battle-of-procrastination/;

3. Sophia Fromell. 5 reasons why people give up on their goals (July 11, 2016). https://www.esquireme.com/content/16636-5-reasons-why-people-give-up-on-their-goals.

Chia sẻ: