Tôn trọng cá tính: Bài học thành công của Honda

Honda và hành trình chinh phục “giấc mơ”

Honda được thành lập năm 1948 tại Nhật Bản bởi ông Soichiro Honda và ông Takeo Fujisawa, bắt đầu bằng việc sản xuất thiết bị điện phụ trợ gắn vào xe đạp. Một năm sau, Honda chính thức trình làng mẫu xe số huyền thoại với tên gọi “Dream”.

Mẫu Honda Dream được sản xuất lần đầu năm 1949
(Nguồn: Internet)

Năm 1974, Honda tung ra sản phẩm Honda Civic, đánh dấu chiếc ô tô đầu tiên đáp ứng tiêu chuẩn khí thải sạch nghiêm ngặt của Mỹ, điều mà những nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ và ông lớn Toyota không thể làm được lúc bấy giờ.

Mẫu Honda Civic được sản xuất năm 1974
(Nguồn: Internet)

Sau hơn bảy thập kỷ phát triển, Honda hiện có khoảng 430 công ty con trên khắp thế giới, tổng giá trị lên đến 24.5 tỷ đô la Mỹ, chủ yếu sản xuất xe máy, ô tô và các sản phẩm điện. Trong lĩnh vực ô tô, thương hiệu Nhật Bản này thuộc top 10 thương hiệu có giá trị nhất trong lĩnh vực sản xuất ô tô toàn thế giới, theo số liệu thống kê của Statista năm 2020.

“Tôn trọng mỗi cá nhân” – một trong những triết lý hoạt động tại Honda

Tại Honda, chất lượng nguồn nhân lực rất được chú trọng, thể hiện qua văn hóa “Tôn trọng mỗi cá nhân” được chính thức ban hành năm 1956. “Tôn trọng mỗi cá nhân” bắt nguồn từ niềm tin rằng mỗi cá thể là một phiên bản độc nhất về khả năng suy nghĩ, tư duy và tạo dựng giá trị. Do đó, Honda nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi cá nhân, giúp họ có cơ hội phát triển tốt nhất, góp phần đóng góp cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Tôn chỉ này được thể hiện qua ba nhân tố như sau:

  1. Sáng kiến: Khuyến khích mỗi cá nhân nên suy nghĩ sáng tạo và hành động theo sáng kiến và phán đoán của riêng họ, không nên rập khuôn theo những ý tưởng định sẵn. Đồng thời, hiểu rằng họ phải chịu trách nhiệm về kết quả bởi những quyết định của mình;
  2. Bình đẳng: Thừa nhận và tôn trọng sự khác biệt của các cá nhân và đối xử công bằng với nhau. Chủng tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia, nền tảng giáo dục, địa vị xã hội hoặc kinh tế không ảnh hưởng đến cơ hội của mỗi cá nhân;
  3. Tin cậy: Mối quan hệ giữa các cộng sự tại Honda dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Sự tin tưởng được tạo ra bằng cách sẵn lòng giúp đỡ người khác, chấp nhận sự giúp đỡ khi cảm thấy bản thân thiếu sót, chia sẻ kiến thức và nỗ lực chân thành để hoàn thành trách nhiệm của mình.

(Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, chính sách quản lý của Honda cũng hướng đến đề cao giá trị con người và khuyến khích tinh thần học tập không ngừng:

  • Thứ nhất: Luôn tiến lên với hoài bão và tinh thần đổi mới;
  • Thứ hai: Phát triển các ý tưởng mới dựa trên nền tảng lý thuyết và sử dụng hiệu quả thời gian;
  • Thứ ba: Tận hưởng công việc và luôn xây dựng môi trường làm việc thoải mái;
  • Thứ tư: Nỗ lực không ngừng cho một luồng công việc hài hòa;
  • Thứ năm: Trân trọng giá trị của nghiên cứu và nỗ lực.

Triết lý hoạt động của Honda tuy đơn giản nhưng đi vào lòng người. Bởi lẽ những nguyên tắc này đều nhắm đến phát triển con người, trân trọng sự sáng tạo và đề cao văn hóa học tập, nghiên cứu. Mỗi nhân viên đều hiểu rõ giá trị của mình và mục tiêu cần theo đuổi. Thành công, vì vậy, chỉ còn là vấn đề của thời gian.

Thực hiện: Duyên Anh

Nguồn tham khảo:

  1. Furlan Umberto, Corporate Culture and Global Competition. The Honda Philosophy, Symphonya. Emerging Issues in Management (www.unimib.it/symphonya), n. 2, 2002, pp. 34-43; 
  2. 5 Brilliant Strategies That Make Honda One Of The World's Most Innovative Companies;
  3. The world’s most valuable brands.
Chia sẻ: