Dấu chân điện tử - bạn phơi bày mình tới mức nào trên mạng?

Khi là một công dân số, quyền riêng tư của bạn đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết

 Nguồn: Internet

Khi nhất cử nhất động của chúng ta đều là tài sản hái ra tiền trong thời đại big data

Chưa bao giờ các công cụ giải trí, thông tin lại trở nên rẻ đến thế. Với chiếc smartphone, ta như có cả thế giới, được phục vụ mọi nhu cầu. Nhưng sự thật, dịch vụ Internet không miễn phí. Chúng ta đang trả cho Facebook, Google, Youtube … bằng chính những thông tin riêng tư nhất về cuộc đời mình. Chúng ta đã bước khá sâu vào kỷ nguyên bị thao túng bởi chính sự dâng hiến dữ liệu này.

Digital footprint có thể hiểu một cách đơn giản là những dấu vết dữ liệu mà người dùng Internet tạo ra trong quá trình sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Có hai cách phân loại tạm thời dấu chân điện tử: Dấu chân điện tử chủ động (Active digital footprint) bao gồm các thông tin người dùng chủ động tạo ra và chia sẻ đi qua các kênh giao tiếp trực tuyến và Dấu chân điện tử bị động (Passive digital footprint) – những dữ liệu người dùng bị âm thầm thu nhập, nói một cách nôm na, là bị “nghe lén”, “đọc lén”.

Từng ứng dụng hấp dẫn ta đang sử dụng đều đang được chi trả bằng chính dữ liệu về chính cuộc sống của mình

Nguồn: Internet

Hoặc một cách khác, các thông tin này có thể được chia làm nhiều nhóm:

-Thông tin cá nhân cơ bản về nhân khẩu: Họ tên, ngày sinh, giới tính, quê quán, địa chỉ nhà, email, số điện thoại, thu nhập, tình trạng hôn nhân, các dịch vụ tiêu dùng quen thuộc…

-Những hành động tương tác cụ thể qua các nội dung email, tin nhắn, nội dung chia sẻ trên mạng xã hội, các bình luận, chia sẻ, dữ liệu truy cập website, các lượt tìm kiếm thông tin, các quyết định mua hàng, địa chỉ IP…

-Xa hơn nữa, là nhóm thông tin có chiều sâu về từng cá nhân, về quan điểm chính trị, tôn giáo, xu hướng giới tính, sở thích cá nhân, các vấn đề sức khoẻ thể chất và tinh thần…

Có lẽ người dùng Internet hiện đại không còn xa lạ với chuyện: một lần tìm kiếm thông tin vu vơ trên mạng hôm trước sẽ biến thành một loạt đề xuất quảng cáo trên Facebook vào hôm sau. Thậm chí, một lời trò chuyện vô thưởng vô phạt với người bạn trong buổi cà phê, chưa cần đến thao tác tìm kiếm online nào, cũng đã lập tức được các “cỗ máy trí tuệ nhân tạo” vô hình bắt lấy, để vài hôm sau bạn liên tục nhận được các đề nghị mua hàng liên quan đến các “từ khoá” bạn trót nói ra.

Tất cả những dữ liệu trên thực sự là mỏ vàng dành cho ngành marketing hiện đại, giúp xây dựng nên chân dung khách hàng hoàn hảo, dự đoán hành vi dễ trúng đích nhất. Các công cụ quảng cáo trực tuyến rồi sẽ hiểu chúng ta nhiều hơn cả người yêu, thậm chí hiểu ta hơn cả chính ta, đây là một tương lai không có gì là không tưởng.

Khi dữ liệu về người dùng đủ lớn, hệ thống này không chỉ định hình cá nhân mà còn thấu hiểu nhu cầu của những nhóm cộng đồng đang chia sẻ với nhau những mối quan tâm tương đồng.

Được gì – mất gì đằng sau dấu chân điện tử

Ở một góc nhìn lạc quan, việc người dùng bị thu thập dữ liệu được xem là một xu hướng “win-win” cùng có lợi. Công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến không thể làm việc miễn phí mà không thu lợi. Người dùng Internet được lợi từ các dịch vụ được các nhà quảng cáo “chăm sóc”, các nhu cầu được thoả mãn nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tối ưu hiệu quả. Tuy nhiên, mức độ thu thập ở mức nào, và câu chuyện quyền riêng tư thời kỹ thuật số luôn là đề tài còn gây tranh cãi.

Được gì – mất gì trong cuộc đổi chác dữ liệu này? Đến nay vẫn chưa kịp có nghiên cứu nào đủ lớn để chỉ ra được bức tranh này. Hai mặt của đồng xu trong câu chuyện này ngày càng bị nhoà ranh giới.

Ở cấp độ cá nhân lẫn doanh nghiệp, con người vẫn có thể chủ động tận dụng lợi ích đến từ điều này. Chẳng hạn, với dữ liệu khách hàng rộng lớn, chính xác, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc hoạch định các chiến lược truyền thông tiếp thị hiệu quả, tìm hiểu nhu cầu, hành vi, xác định mức sẵn sàng chi tiêu và đưa ra các giải pháp kinh doanh phù hợp.

Tìm kiếm “dấu chân điện tử” của các ứng viên cũng là điều mà nhà tuyển dụng hay bộ phận lựa chọn hồ sơ trên Internet ngày càng triệt để áp dụng để tìm hiểu tính cách của một cá nhân, bên cạnh bộ hồ sơ chính thức được gởi đi. Thậm chí, những thông tin “phi chính thức” này đôi khi lại được xem là kênh thể hiện chân thật hơn về ứng viên. Dù chúng ta hiểu, hình ảnh trên mạng xã hội không phản ánh hoàn toàn con người trong thực tế. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, nghịch lý về niềm tin này vẫn diễn ra.

Ở một bối cảnh phức tạp hơn, các dấu chân điện tử có thể “tố giác” con người trong các vấn đề liên quan đến pháp luật. Chuyện các cơ quan điều tra, cơ quan thực thi pháp luật truy tìm dấu vết hung thủ nhờ Internet không còn là chuyện hy hữu trên màn ảnh.

Nguy cơ tấn công trực tuyến đe doạ người dùng hiện đại từ danh tiếng, sức khoẻ tinh thần cho đến lừa đảo tiền bạc

Nguồn: Internet

Dù có những lợi ích không thể phủ nhận, tuy nhiên, vẫn có quá nhiều nguy cơ tấn công hướng đến con người từ sự thao túng dữ liệu riêng tư trên Internet. Netsafe, kênh thông tin an ninh mạng phi lợi nhuận của New Zealand đã phân tích một số nguy cơ mất an toàn phổ biến:

-Bị lan truyền ảnh sex, video sex, hình ảnh nhạy cảm của cá nhân

-Bị lan truyền thông tin bất lợi để huỷ hoại danh tiếng, gây mất việc làm

-Nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến tấn công vào ví tiền của cá nhân hoặc doanh nghiệp

-Nguy cơ tống tiền dựa trên sự thao túng thông tin nhạy cảm của cá nhân và tổ chức

Để lại dấu chân sao cho an toàn?

Năm 1999, khi nhiều nơi trên thế giới còn chưa biết đến email, thì khái niệm quyền riêng tư trên Internet đã được đề cập bởi Scott McNealy, cựu CEO của Sun Micro Systems. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu đám mây, dữ liệu lớn, đến nay, vấn đề này ngày càng trở thành “hố đen” khó giải quyết.

Cắt đứt liên hệ với Internet là điều gần như không tưởng trong thời đại số. Đòi hỏi về

sự an toàn và riêng tư tuyệt đối trên Internet cũng là điều bất khả thi. Trong lúc chờ đợi các thiết chế bảo vệ quyền riêng tư của người dùng đến từ các hệ thống pháp luật hay các đế chế công nghệ, mỗi cá nhân vẫn được khuyến khích xây dựng một hàng rào tự vệ trên Internet, hay nói cách khác, là để lại dấu chân điện tử một cách an toàn hơn, thông qua các thao tác bảo mật một cách hệ thống.

“Google tên mình”

Nghe có vẻ… ảo tưởng về bản thân. Nhưng thỉnh thoảng hãy làm điều này trước khi nhà tuyển dụng làm và phát hiện ra bạn nằm trong danh sách nợ tài liệu quá hạn không trả, nickname mình hiện ra với nhiều câu bình luận hồn nhiên kèm vài từ văng tục trên mạng xã hội (như các hoa hậu không may gặp phải). Đã có những người ngỡ ngàng vì một ngày phát hiện ra… chứng minh nhân dân của mình bị chụp và rao trên mạng xã hội về việc dính tới tín dụng đen. Google Alerts cũng là một tính năng thú vị để bật thông báo về việc Internet liệu có tình cờ đề cập gì về mình mỗi ngày. Đây cũng là một nhắc nhở để bạn thận trọng hơn trong từng đường đi nước bước của mình trên môi trường số.

Bảo mật! Bảo mật và bảo mật!

Trong trường hợp các hệ thống bảo mật là điều quá phức tạp so với thói quen tiếp cận công nghệ của bạn, vài yêu cầu sau được xem là tối thiểu cho sự an toàn của người dùng Internet:

-Sử dụng bảo mật hai lớp cho các tài khoản email, mạng xã hội

-Tạo mật khẩu đủ mạnh. Có nhiều công cụ đánh giá độ mạnh mật khẩu cho người dùng, tham khảo tại password.kaspersky.com. Một số công cụ còn giúp bạn đo được mất bao nhiêu thời gian thì máy tính có thể “hack” mật khẩu của bạn hoặc dạng mật khẩu bạn dùng từng được hệ thống này ghi nhận bị rò rỉ bao nhiêu lần

-Nói không với những đường link lạ, những trò chơi trắc nghiệm không rõ nguồn gốc

-Kiểm tra thiết lập quyền riêng tư trên tất cả tài khoản mạng xã hội. Hạn chế chế độ public cho các thông tin như bài đăng, danh sách bạn bè, giới thiệu hồ sơ, thông tin liên hệ…

-Cẩn trọng với check-in và việc đưa thông tin, hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội

-Sử dụng trình duyệt ẩn danh trên các thiết bị truy cập Internet lạ

Bảo vệ quyền riêng tư trên Internet là một trong những kỹ năng cơ bản đối với công dân số ở mọi lứa tuổi

Nguồn: Internet

Có rất nhiều lưu ý kỹ thuật liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân trên Internet. Song song với kỹ năng này là một thông điệp cũng rất đáng cân nhắc: Bên cạnh nỗi bất an vì việc bị theo dõi dấu chân điện tử, cá nhân, tổ chức cũng có thể chủ động để lại những “dấu chân” có lợi trên Internet, bằng cách xây dựng một phiên bản hình ảnh số tích cực cho chính mình. Việc một nhân sự được nhà tuyển dụng săn đón nhờ những bài viết ấn tượng hoặc những bình luận chuyên môn chất lượng trên mạng xã hội đã không còn quá hiếm hoi trên thị trường lao động hiện đại.

Suy cho cùng, dù ảo hay thật, một thử thách với mỗi chúng ta, vẫn là thể hiện con người mình như thế nào để có được sự thấu hiểu và tin cậy cao nhất.

Nhân Huỳnh

Tham khảo

  1. Boyle, J. (2020, January 22). 12 Tips For Students To Manage Their Digital Footprints. TeachThought. https://www.teachthought.com/the-future-of-learning/11-tips-for-students-tomanage-their-digital-footprints/
  2. Digital Footprint - an overview | ScienceDirect Topics. (n.d.). ScienceDirect. https://www.sciencedirect.com/topics/computer-science/digital-footprint
  3. Odugbesan, T. (2016, September 14). Digital Footprint: Definition & Facts. Study.Com. https://study.com/academy/lesson/digital-footprint-definition-facts.html
  4. Symanovich, S. (2018, October 15). Help protect your digital footprint from prying eyes. Norton. https://us.norton.com/internetsecurity-privacy-clean-up-online-digital-footprint.html
  5. What is a digital footprint? (2019, July 22). Netsafe. https://www.netsafe.org.nz/digital-footprint/
Chia sẻ: