Đi tìm… động lực đã mất

Tại sao chúng ta chán việc?

Nguồn: www.tunnicliffe-hunt.com

Đứng trên góc độ lợi ích doanh nghiệp, việc truyền thêm động lực cho nhân viên là một chiến lược mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Các số liệu thống kê cho thấy việc giữ lửa cho nhân viên là cực kỳ quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của một tổ chức, công ty: (1) Năng suất lao động của nhân viên tăng 44% nếu được khuyến khích, truyền thêm động lực; (2) Các công ty có các chương trình khuyến khích nhân viên thường thu lại lợi nhuận cao gấp 3 lần so với các đối thủ và số nhân viên nhảy việc giảm đến 87%; (3) Cứ mỗi nhân viên thiếu lửa làm lãng phí của công ty 3.400$ trong mỗi 10.000$ tiền lương; (4) Các tổ chức với nhiều nhân viên năng động có doanh thu tăng khoảng 19,2% trong thời gian 12 tháng, cao hơn 32,7% so với các tổ chức có nhân viên ít gắn kết hơn.

Để xây dựng được một chiến lược truyền lửa phù hợp, các nhà quản lý trước hết cần nhìn rõ các nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm hứng thú đối với công việc của nhân viên. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến bao gồm:

  • Môi trường làm việc không thoải mái, thiếu công bằng, thiếu linh hoạt;
  • Thiếu sự trao đổi giữa các cấp quản lý và nhân viên, thành quả lao động không được ghi nhận và đánh giá đúng;
  • Nhân viên mất đi sự hòa hợp với văn hóa công ty, không phục cấp trên, hoặc bất đồng với đồng nghiệp;
  • Công việc trở nên nhàm chán, lặp lại, mất tính kích thích và thử thách. Công việc được phân công không phù hợp với khả năng chuyên môn và hứng thú cá nhân;
  • Nhân viên cảm thấy chán nản vì thiếu kinh nghiệm, bị mắc kẹt hoặc không hiểu được ý nghĩa, mục tiêu lớn hơn của công việc;
  • Bên cạnh đó, trạng thái chán việc, giảm năng suất của nhân viên cũng có thể mang tính tạm thời, đến từ các biến cố trong cuộc sống của mỗi cá nhân.

Nghệ thuật thổi lửa động lực cho nhân viên

Cho đến nay, phần lớn các doanh nghiệp vẫn xây dựng chương trình khuyến khích, truyền lửa dựa trên nguyên lý cây gậy – củ cà rốt, hay phần thưởng – hình phạt, trong đó các hình thức thưởng phạt về tài chính được sử dụng chủ yếu.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy mặc dù các khuyến khích về vật chất (tiền, quà) có hiệu quả tức thời trong việc nâng cao năng suất lao động của nhân viên, nhưng các tác động này thường mang tính ngắn hạn và không bền. Hình thức khuyến khích này cũng có phạm vi hiệu quả rất hẹp, chủ yếu đối với các ngành nghề lao động chân tay hoặc khi các mục tiêu và nhiệm vụ được xác định rõ ràng, chính xác.

Nguồn: www.companyfolders.com

Đối với các công việc trí não, đòi hỏi tính sáng tạo cao của thế kỷ 21, các khích lệ về mặt vật chất thường ít có tác dụng, thậm chí gây hại. Người lao động của thời đại ngày nay, thay vào đó, nên được khuyến khích bằng cách đề cao các giá trị nội tại (như ý nghĩa của công việc và tầm quan trọng bản thân trong thành công chung). Do đó, bên cạnh tặng thưởng về vật chất, một số giải pháp truyền cảm hứng mang tính chiến lược, hướng đến hiệu quả lâu dài có thể được áp dụng như sau:

  • Ghi nhận các thành quả của nhân viên, khuyến khích, khen thưởng. Cảm giác được công nhận chắc chắn mang lại sự khích lệ to lớn, nâng cao cảm hứng làm việc của nhân viên;
  • Khuyến khích nhân viên tham gia đặt mục tiêu và lập kế hoạch cho công việc. Điều này giúp nhân viên cảm thấy được lắng nghe và trân trọng, sẽ càng tự tin, có trách nhiệm và nỗ lực nâng cao chất lượng công việc;
  • Tăng cường trao đổi với nhân viên, thường xuyên thảo luận về các mục tiêu chung, để nhân viên hiểu thêm về vai trò và ý nghĩa của công việc;
  • Tạo cơ hội để nhân viên phát triển, thông qua các chương trình huấn luyện, cho phép nhân viên tham gia các công việc mang tính thử thách hơn, đồng thời cần sát sao để hỗ trợ, khuyến khích khi cần thiết;
  • Lắng nghe và trao đổi thẳng thắn các nguyện vọng, vướng mắc về công việc, lương, hoặc môi trường và điều kiện làm việc;
  • Xây dựng các chương trình team building, tăng cường sự gắn kết, hợp tác, trao đổi giữa các nhân viên.

Việc giữ và truyền lửa cho nhân viên đòi hỏi một nghệ thuật quản trị thật khéo léo, cũng như sự tinh tế nơi người quản lý.

Thực hiện: Duyên Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Employee motivation in numbers. 22 September, 2017. https://employeebenefits.co.uk/employee-motivation-numbers/.
  2. Statistics regarding employee motivation. http://www.greatify.co/media/statistics-employee-motivation/.
  3. “Cây gậy và củ cà rốt” trong chiến lược điều hành doanh nghiệp. https://viectotnhat.com/bi-quyet-nghe-nghiep/bi-quyet-tuyen-dung/cay-gay-va-cu-ca-rot-trong-chien-luoc-dieu-hanh-doanh-nghiep/.
  4. The puzzle of motivation. Daniel Pink. TED Talks. https://www.youtube.com/watch?v=rrkrvAUbU9Y.
  5. Động lực 3.0 – một luận điểm thú vị về motivation. 27/7/2013. https://phanphuongdat.com/2013/12/19/dong-luc-3-0-mot-luan-diem-thu-vi-ve-motivation/   
Chia sẻ: