Học cách giữ “đầu lạnh, tim nóng”, liệu có dễ dàng?

4 khía cạnh của trí tuệ cảm xúc

Nguồn: Internet

Trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence, viết tắt là EI) là khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của bản thân và người khác, từ đó sử dụng nhận thức này để kiểm soát hành vi và các mối quan hệ xung quanh. Cụ thể, trí tuệ cảm xúc biểu hiện qua 4 khía cạnh sau đây:

- Tự nhận thức: Khả năng nhận diện, quan sát trạng thái diễn biến cảm xúc của chính mình

- Kiểm soát bản thân: Sử dụng nhận thức về cảm xúc để linh hoạt và tích cực định hướng hành vi

- Nhận thức xã hội: Khả năng tiếp nhận chính xác cảm xúc của người khác và hiểu điều gì đang thực sự diễn ra

- Quản lý mối quan hệ: Khả năng sử dụng nhận thức về cảm xúc của chính mình và người khác để quản lý thành công các tương tác.

Như vậy, EI có thể được hiểu như một kỹ năng nhằm phát triển các mối quan hệ xã hội tốt đẹp thông qua việc thấu hiểu bản thân và cảm thông với những người xung quanh. Hiển nhiên, chúng ta đều mong muốn được mọi người yêu quý, nhưng để đạt được điều này thật sự là một thử thách lớn. Bởi lẽ mỗi người đều có cái tôi và tiếng nói nội tâm riêng. Hiểu được bản thân đã là điều khó, cảm thông với cảm xúc hay hành động của người khác lại càng khó hơn, đặc biệt khi chúng ta đang nóng giận và đối phương sẵn sàng “gây chiến”. Do đó, học cách hiểu và điều chỉnh cảm xúc cá nhân là một kỹ năng cần thiết trong mọi tình huống giao tiếp.

EI có thể được phát triển như thế nào?

Nguồn: Internet

Khác với chỉ số thông minh (IQ), phần lớn thuộc về thiên bẩm và ít thay đổi được, trí tuệ cảm xúc (EI) lại là một nhân tố có thể phát triển, cải thiện thông qua việc luyện tập và không giới hạn về tuổi tác. Ngày nay, tại các quốc gia phát triển, ngày càng có nhiều khóa học giúp phát triển trí tuệ cảm xúc. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng có thể tự cải thiện trí tuệ cảm xúc bằng những phương thức như sau:

1. Nhận biết các cảm xúc tiêu cực

Xác định được những cảm xúc khiến tinh thần chúng ta đi xuống là bước quan trọng đầu tiên trong việc kiểm soát cảm xúc. Có một số mẹo giúp chúng ta thực hiện việc này dễ dàng hơn. Thứ nhất, khi ai đó khiến bạn buồn hoặc dùng lời lẽ nặng nề với bạn, đừng phản ứng với họ ngay lập tức. Hãy tạm thời lánh khỏi tình huống nóng giận này và dành một chút thời gian để suy nghĩ và đưa ra câu trả lời khôn khéo hơn. Thứ hai, đừng vội vàng đưa ra kết luận, hãy tự vấn lại bản thân, ngay khi các suy nghĩ tiêu cực bắt đầu nhen nhóm. Thứ ba, khi xảy ra mâu thuẫn với người khác, hãy thử xem xét vấn đề trên góc độ của họ và tìm hiểu điều gì khiến họ cư xử như vậy. Sau đó, hãy thử xem lại thái độ của bạn đã thay đổi thế nào khi bạn bắt đầu đồng cảm.

2. Tự đánh giá

Trước khi quan sát và tìm hiểu người khác, hãy quan sát chính bạn. Điều này có nghĩa là để phát triển trí tuệ cảm xúc, chúng ta cần đánh giá bản thân một cách khách quan. Hãy thử thách bản thân thường xuyên bằng những câu hỏi như:

  • Tôi có đang suy nghĩ đúng cách không?
  • Hôm nay tôi đã sử dụng những từ ngữ đó có nên hay không?
  • Tôi sẽ phản ứng thế nào nếu tôi ở vị trí của anh ấy/ cô ấy?
  • Còn cách nào khác để nhìn nhận vấn đề này không?
  • Tôi có đang đi đúng hướng hay không?

3. Tự thể hiện

Tự thể hiện có nghĩa là ngoài việc hiểu về bản thân, chúng ta cũng cần chủ động trong việc bày tỏ những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân thông qua giao tiếp. Việc truyền đạt suy nghĩ của bản thân tới người khác một cách tự nhiên và dễ hiểu cũng giúp chúng ta có thể đưa giải pháp và tự điều chỉnh hành vi của mình.

4. Kiểm soát căng thẳng

Kiểm soát căng thẳng và kiểm soát cảm xúc luôn có một mối liên hệ mật thiết. Vì vậy, chúng ta có thể cải thiện trí tuệ cảm xúc bằng việc kiểm soát căng thẳng tốt hơn.

Có một vài kĩ thuật đơn giản mà bạn có thể tự áp dụng để kiểm soát căng thẳng:

  • Vỗ nước lạnh lên mặt rồi quay trở lại làm việc, nước mát có thể khiến bạn giảm bớt lo âu và cảm thấy sảng khoái hơn
  • Tránh sử dụng các chất cafein và thuốc lá trong những giai đoạn căng thẳng, dù nhiều người lạm dụng các chất này khi căng thẳng, nhưng tốt nhất bạn nên tránh xa những chất kích thích như vậy khi cảm thấy lo lắng
  • Dành thời gian nghỉ ngơi khi những áp lực công việc đang đè nặng tâm trí bạn và ảnh hưởng tới hành vi cảm xúc của bạn, hãy dành thời gian cho gia đình và tĩnh tâm trở lại trước khi quay về và giải quyết những căng thẳng đó một cách có hiệu quả hơn. 

5. Đồng cảm như một thói quen hàng ngày

Đồng cảm là sức mạnh để nhìn thế giới bằng con mắt của người khác và đồng cảm cũng là một khía cạnh không thể thiếu của trí tuệ cảm xúc. Chúng ta có thể bắt đầu thói quen đồng cảm từ chính ngôi nhà của mình, như một tờ note “Cảm ơn” để lại cho những hành động yêu thương, hay những cuộc nói chuyện trút bầu tâm sự của các thành viên trong gia đình giữa những bộn bề cuộc sống. Tại nơi làm việc, hãy thử lắng nghe suy nghĩ của một người đồng nghiệp mà không phán xét, hoặc bỏ qua cho những câu nói nặng lời của một người đang quá căng thẳng.

Làm chủ được trí tuệ cảm xúc cũng là làm chủ được bản thân trong các mối quan hệ, nó mang lại những lợi ích không ngờ cả trong công việc và cuộc sống của chúng ta. Không những thế, trí tuệ cảm xúc còn là nhân tố mà chúng ta có thể rèn luyện cải thiện được. Việc cải thiện yếu tố này có thể thực hiện bắt đầu từ việc thay đổi những thói quen, hành vi hàng ngày của chúng ta.

Thực hiện: Duyên Anh

Tham khảo:

  1. Travis Bradberry. Emotional Intelligence – EQ. Jan 9, 2014.
  2. Madhuleena Roy Chowdhury. How To Improve Emotional Intelligence Through Training. September 01, 2020.
Chia sẻ: