Để “học tập suốt đời” không còn là “gánh nặng”

“Học tập suốt đời” (lifelong learning) được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá là một kỹ năng quan trọng, đặc biệt trong cuộc đua chuyển dịch theo hướng kinh tế số như hiện nay. Chúng ta đều hiểu học tập là một kỹ năng giúp phát triển bản thân và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Làm thế nào để  học tập không phải là “gánh nặng” cho mỗi chúng ta?

Mở khóa hành vi học tập có chủ đích

Nguồn: Getty Images

Các cơ hội học tập chính thống chỉ góp một phần nhỏ đối với nhu cầu học hỏi của một chuyên gia trong sự nghiệp của người đó. Những trải nghiệm và sự tương tác hằng ngày mang đến những cơ hội học hỏi lớn khi người học có chủ đích xem mỗi khoảnh khắc là một cơ hội học tập. Đối với họ, học tập không chỉ là một phần nhiệm vụ. Thay vào đó, học tập gần như là hành vi vô thức và phản xạ được sử dụng liên tục.

Mỗi chúng ta đều có thể trở thành người học có chủ đích, với hai cách tư duy phản biện (với chính những điều bạn tin tưởng) và năm kỹ năng cốt lõi (để định hướng việc học tập trong mọi điều bạn làm) như trình bày trong các phần tiếp theo.

Thúc đẩy học tập bằng cách điều chỉnh hai tư duy phản biện

Nhận thức tác động mạnh mẽ đến hành vi. Khi hình thành niềm tin, những hành động của bạn giúp định hình các kết quả mong muốn. Hai lối tư duy được ví như nguồn nhiên liệu tối quan trọng đối với những người học có chủ đích chính là tư duy phát triển và sự hiếu kỳ. Một vài người có thể bẩm sinh sở hữu hai kiểu tư duy này, nhưng chúng không bất di bất dịch. Thực tế, quyền năng nằm ở chỗ khả năng phát triển của chúng.

Nguồn: Medium.com

Lựa chọn tư duy phát triển

Dựa trên một nghiên cứu nổi tiếng của giáo sư tâm lý học Carol Dweck (Đại học Stanford) về phát triển, con người có một trong hai niềm tin về những khả năng của họ: tư duy phát triển hoặc tư duy cố định. Tư duy cố định tin rằng tính cách, tài năng, năng lực là không thể thay đổi hay cải thiện. Những người suy nghĩ theo cách này có xu hướng đánh giá bản thân khá cực đoan: thông minh hoặc trung bình, tài năng hoặc dốt nát, thành công hoặc thất bại. Một tư duy cố định ngăn việc học hỏi bởi vì nó không cho phép bản thân được phép… kém hiểu biết, thất bại hoặc đấu tranh.

Trái lại, tư duy phát triển cho rằng bạn có thể thay đổi. Thông minh và năng lực không phải là điều bất biến. Tư duy phát triển giải phóng bạn khỏi việc mong đợi trở nên hoàn hảo. Thất bại và sai lầm không phải là biểu hiện của kém thông minh, mà là công cụ giúp bạn phát triển. Tư duy phát triển giải phóng, cho phép bạn tìm thấy giá trị, niềm vui và thành công của quá trình, bất kể kết quả như thế nào.

Trau dồi tư duy phát triển có thể bắt đầu từ việc chuyển đổi tiếng nói nội tâm của bạn từ niềm tin về khả năng (một tư duy cố định) sang niềm tin về các cơ hội và nhu cầu (một tư duy phát triển). Ví dụ, từ “Tôi thuyết trình thật tệ” sang “Tôi cần thực hành thuyết trình nhiều hơn”.

Nuôi dưỡng sự hiếu kỳ

Tính hiếu kỳ, động cơ của việc học tập có chủ đích, có thể được trau dồi, thậm chí với những ai bẩm sinh không có tính cách này. Tính hiếu kỳ được định nghĩa là nhận thức, tinh thần sẵn sàng đón nhận những ý tưởng và khả năng kết nối các khái niệm khác nhau.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tính hiếu kỳ quan trọng bởi ba lý do. Thứ nhất, sự hiếu kỳ thúc đẩy phát triển cảm hứng, điều này quan hệ mật thiết với tính ham học hỏi của bản thân người đó. Bạn ham học và học hỏi thường xuyên đơn giản vì bạn hiếu kỳ. Thứ hai, tính hiếu kỳ thúc đẩy khả năng tự định hướng học tập. Cuối cùng, tính hiếu kỳ không phân biệt tuổi tác, do đó, nó có thể phục vụ chặng đường sự nghiệp ở mọi giai đoạn cuộc đời. Mặc dù phương pháp học tập của bạn có thể thay đổi theo thời gian, tính hiếu kỳ sẽ giúp duy trì ngọn lửa động lực.

Năm kỹ năng cốt lõi của những người học có chủ đích

Nguồn: resumegenius.com

Tư duy phát triển và tính hiếu kỳ là nhiên liệu cho việc học tập có chủ đích. Nhưng khi bạn phát triển khả năng học tập có chủ đích, điều quan trọng còn lại là điều chỉnh những nguồn lực này và định hướng năng lượng một cách hiệu quả. Cùng tham khảo năm kỹ năng cốt lõi của người học có chủ đích sau đây:

  1. Mục tiêu nhỏ và rõ ràng: Người học có chủ đích dựa trên các mục tiêu hữu hình, vì vậy họ có thể sử dụng sự hiếu kỳ như một công cụ hữu hiệu thay vì một nguồn gây xao nhãng. Các học giả về khoa học học tập chỉ ra rằng việc học sẽ có tác dụng khi bạn có thể giữ lại và sử dụng những gì bạn đã học. Ngoài ra, mục tiêu nên liên quan đến nghề nghiệp hoặc những kỹ năng cần thiết, cụ thể và đo lường được.
  2. Loại bỏ những tác nhân gây xao nhãng: Những tác nhân gây xao nhãng có thể được giảm thiểu bằng việc áp dụng một trong các cách sau:
    • (1) Đánh giá bản thân và lên kế hoạch cẩn thận: Bạn đang đưa ra những lựa chọn nào về các ưu tiên, vai trò, thời gian và năng lượng của mình? Lựa chọn của bạn có phù hợp với mục tiêu mà bạn quan tâm không? Cân nhắc các hoạt động bạn nên thêm vào nhưng quan trọng hơn, hãy xem xét những gì bạn phải loại bỏ để đạt được mục tiêu của mình.
    • (2) Tập trung: Ngay cả với những kế hoạch có vẻ chặt chẽ nhất vẫn dễ gặp phải nhiều cản trở. Hãy chuẩn bị tinh thần để học bằng cách giảm thiểu sự phân tâm và quản lý năng lượng: tách khỏi các thiết bị điện tử, đi dạo trước khi bạn bắt đầu một khoảng thời gian dài tập trung, đặt báo thức nhắc nhở bạn mỗi giờ, thiết lập không gian làm việc để loại bỏ phiền nhiễu.
    • (3) Thử nghiệm và linh hoạt: Có thể mất thời gian lặp đi lặp lại để tìm ra thứ phù hợp với bạn. Hãy xem xét các thử nghiệm nhỏ và mức độ thành công của chúng. Điều này giúp bạn tái đầu tư thời gian của mình. Cam kết chủ đích trong việc học và sử dụng thời gian, nhưng hãy sẵn sàng linh hoạt các chiến lược cụ thể khi hoàn cảnh thay đổi.
  3. Tích cực tìm kiếm phản hồi hữu ích: Phản hồi là một nguyên tắc quen thuộc với hầu hết các chuyên gia. Những người học có chủ đích không chỉ tìm kiếm phản hồi, mà còn theo đuổi nó một cách thích thú. Khi bạn tìm kiếm phản hồi, hãy lưu ý những điểm sau:
    • (1) Chi tiết: Phản hồi hữu ích nhất khi chúng dùng được và thường đến từ các chi tiết và ví dụ. Nếu ai đó nhận xét rằng bạn có vẻ phòng thủ trong cuộc họp, hãy thăm dò để biết thêm thông tin. Ví dụ: Sự phòng thủ của tôi thể hiện trên biểu cảm khuôn mặt hay ngôn ngữ cơ thể? Giọng nói của tôi có thay đổi không?
    • (2) Phản ứng thế nào với phản hồi: Bạn có thể chủ động tìm kiếm phản hồi, nhưng bạn không cần phải hành động (hoặc thậm chí tin tưởng) vào mọi nhận xét. Phản hồi là dữ liệu bạn thu thập để giúp bạn cải thiện, nhưng cuối cùng bạn sẽ kiểm soát được việc phải làm gì với nó.
    • (3) Tìm kiếm chuyên gia: Bằng cách tìm kiếm một người đã có chuyên môn — chẳng hạn, một giám đốc điều hành đã đạt được vai trò mà bạn muốn vươn lên hoặc một người có kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực mà bạn quan tâm — bạn có một khuôn mẫu để thăng tiến. Một chuyên gia có thể cung cấp cho bạn thông tin chi tiết mà một người cùng cấp không thể.
  4. Thực hành có chủ đích trong các lĩnh vực bạn muốn phát triển: Mô hình thử, thất bại, tinh chỉnh cách tiếp cận và thử lại là trọng tâm của việc xây dựng tất cả các kỹ năng hành vi. Sau khi nghiên cứu sự phát triển chuyên môn trên nhiều lĩnh vực, nhà tâm lý học K. Anders Ericsson xác định rằng “có cách tiếp cận khoa học để phát triển chuyên môn” và “có bằng chứng cho thấy rằng các chuyên gia luôn được tạo ra chứ không phải sinh ra”.
  5. Nhiều người trong chúng ta tin rằng thực hành tạo nên sự hoàn hảo, nhưng quan điểm cổ điển đó không đủ cụ thể. Thực hành có chủ ý là “hoạt động tập trung nhằm vào mức độ thách thức phù hợp để mở rộng kiến thức chuyên môn”. Nói cách khác, thực hành hiệu quả là nhằm vào những khoảng trống kỹ năng nằm ngoài bộ kỹ năng hiện tại của bạn. Theo chuyên gia, nội dung thực hành lý tưởng là: không quá khó, không quá dễ và không quá lặp lại những gì bạn đã có thể làm, nhưng ở mức độ thử thách phù hợp, tập trung vào chính xác kỹ năng bạn cần.
  6. Thực hành những phản ánh thường xuyên: Sự phản ánh giúp bạn nhìn nhận lại các hành động của mình để tinh chỉnh các thành phần và sau đó ghép các phần đó lại với nhau để cải thiện hiệu suất. Việc phản ánh thúc đẩy học tập xảy ra trong ba thời điểm chính: trước, trong và sau một nhiệm vụ. Cuối cùng, hồi tưởng cho phép chúng ta nhìn lại một tình huống trong quá khứ, xem xét mức độ hiệu quả của các hành động. Sau đó, dự kiến cách tiếp cận một sự kiện tương tự trong tương lai.

Học tập có chủ đích là một khoản đầu tư cho bản thân, nhưng đó cũng là một khoản đầu tư dành cho nghề nghiệp, gia đình, cộng đồng, công ty và thế giới nói chung. Vì vậy, học tập có chủ đích có thể là kỹ năng cơ bản trước nhất để các chuyên gia trau dồi.

Dịch: Duyên Anh, theo McKinsey

Bài viết được dịch từ bản gốc tiếng Anh: “The most fundamental skill: Intentional learning and the career advantage”.

Chia sẻ: