Tư duy tích cực và hoạt động của não bộ
Nguồn: Internet
Theo nhận định của chuyên gia tâm lý Kendra Cherry, tư duy tích cực không đồng nghĩa với việc né tránh hay làm ngơ trước những điều tồi tệ. Thay vào đó, tư duy tích cực là việc nỗ lực tìm ra điểm tốt trong bất kỳ tình huống nào, đối với bất cứ người nào, cũng như tự tin vào khả năng của bản thân.
Nếu xét về mặt tâm lý, tư duy tích cực là điều giúp con người tự tin, để từ đó có thể khám phá ra những tiềm năng của bản thân. Nhờ vào các năng lượng nội lực bên trong mà con người có động lực để phát triển và vượt qua thách thức.
Trên khía cạnh sinh học, tư duy tích cực là một hoạt động tạo ra những năng lượng tâm trí. Mỗi ý nghĩ đều giải phóng một số loại hóa chất. Khi suy nghĩ, não bộ sản xuất ra các chất gọi là chất dẫn truyền thần kinh, để phản ứng với cả chức năng bên trong lẫn kích thích bên ngoài, tác động đến các giác quan của chúng ta. Tư duy tích cực có tác dụng hoạt hóa các chất dẫn truyền thần kinh tích cực như serotonin, dopamine,… để tạo ra kích thích cho mọi hoạt động trong cơ thể. Do đó, con người trở nên sảng khoái, vui vẻ hơn. | |
Nguồn: Internet |
Học hỏi cách tư duy tích cực của những “ngôi sao”
Chắc hẳn chúng ta khá quen thuộc với tấm gương về nghị lực phi thường Nick Vujicic. Tuy bẩm sinh khiếm khuyết tay chân, nhưng anh vẫn có thể làm mọi việc như những người bình thường. Anh nói rằng: “Tôi có sự lựa chọn của tôi. Bạn cũng có sự lựa chọn của bạn. Chúng ta có thể chọn để mình chìm sâu trong những nỗi thất vọng tràn trề và khiếm khuyết vĩnh viễn. Chúng ta có thể lựa chọn thái độ sống đầy cay đắng, giận dữ và u sầu. Hoặc chủ động chọn lấy bài học từ chính những gì mình đã trải nghiệm và tiến lên phía trước”[1]. Không đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhìn nhận mọi việc trong cuộc sống là những trải nghiệm và mang lại bài học cho bản thân là cách để anh vượt qua mọi khó khăn, với mục đích sống cao đẹp là truyền cảm hứng cho mọi người. Nick chính là một ví dụ điển hình để minh họa cho việc chuyển hóa những trở ngại thành cơ hội và dùng câu chuyện của mình để chạm đến trái tim mọi người.
Nguồn: Internet
Một câu chuyện khác kể về “thầy phù thủy ở Menlo Park” Thomas Edison, một nhà phát minh lớn của thế kỷ 20. Để mang đến “mặt trời thứ hai” cho nhân loại, ông đã phải trải qua hơn 10.000 lần thử nghiệm thất bại, nhưng ông không bao giờ gọi đó là thất bại, mà xem đó như những cơ hội để học hỏi. Edison từng nói: 'Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình'[2]. Bí mật tư duy tích cực của Thomas Edison chính là sự lạc quan trong cách mà ông nhìn nhận mọi việc.
Gia tăng tuổi thọ nhờ tư duy tích cực
Khoa học chỉ ra rằng tư duy tích cực còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một thái độ tích cực có thể sẽ không thể chữa khỏi bệnh ung thư. Nhưng nó sẽ giúp bạn dễ dàng quản lý cuộc sống, giảm căng thẳng và cũng giúp bạn chăm sóc bản thân tốt hơn. Bên cạnh đó, tư duy tích cực còn góp phần giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, tránh trạng thái trầm cảm, và còn có thể giúp tăng tuổi thọ.
Nếu cho rằng tư duy tích cực là tốt thì tư duy tiêu cực có gì xấu? Những suy nghĩ tiêu cực giống như một liều thuốc độc hạng nhẹ, tích lũy dần và trở nên nguy hiểm nếu mỗi chúng ta không chịu nhận thức về nó để sửa đổi. Những hóa chất sinh ra bởi suy nghĩ tiêu cực tạo ra môi trường acid, yếu tố khiến chúng ta dễ mắc bệnh hơn. Nó sẽ tiêu diệt những tế bào não của ta nhanh hơn là việc ta không cung cấp đủ dưỡng chất hay thiếu ngủ.
Bạn có biết sự tồn tại của một khái niệm thú vị mang tên “luật hấp dẫn” ? Theo đó, bạn sẽ hấp dẫn tất cả những gì bạn hướng đến. Vì thế, nếu bạn tập trung vào những điều tốt đẹp và tích cực, một cách tự nhiên, bạn sẽ thu hút được thêm nhiều những điều tốt đẹp và tích cực vào cuộc sống của mình. Ngược lại, nếu bạn chỉ quan tâm đến những điều thiếu thốn và tiêu cực, đó chính là những thứ sẽ được “hút” vào cuộc sống của bạn. Hình dung bạn như một chiếc radio, tần số của bạn phải phù hợp với dải tần số của những điều mà bạn muốn nhận. Do đó, bạn cần phải điều chỉnh bản thân, để có thể cộng hưởng với tần số của những điều bạn mong muốn.
Một người có tư duy tích cực không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác, luôn lạc quan, vui vẻ, năng động, sáng tạo trong mọi việc. Những suy nghĩ tích cực giúp chúng ta tập trung tốt hơn vào mục tiêu của mình, và đặc biệt là giúp bạn bình tĩnh hơn trước những trở ngại trong cuộc sống, cũng như lan tỏa năng lượng tích cực cho những người xung quanh.
Các mẹo nhỏ giúp bạn hình thành tư duy tích cực
Nguồn: Internet
Mỗi chúng ta có thể rèn luyện tư duy tích cực qua các hành động và suy nghĩ mỗi ngày. Trước hết, thay vì để cảm xúc điều khiển, bạn hãy tập trung vào nguyên nhân của sự việc, hãy diễn đạt chính xác vấn đề là gì? Điều đó khiến bạn cảm thấy như thế nào và làm thế nào để khắc phục? Một số mẹo nhỏ khác để bạn dễ dàng vượt qua các tình huống trở ngại:
Cuộc sống không phải lúc nào cũng là những niềm vui, nếu không có trầm thì sẽ chẳng có thăng. Chúng ta không thể thay đổi dòng chảy của tự nhiên, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách chúng ta lý giải chúng. Như Abraham Lincolh đã nói: “Con người chỉ vui vẻ khi chính họ quyết định để tâm trí mình vui vẻ”.
Thực hiện: Nguyễn Thanh Hằng (TR&D)
Tham khảo:
[1] Nick Vujicic, 12/2012, Cuộc sống không giới hạn, NXB Tổng hợp TP.HCM
[2] Kenvin Daum, 37 Quotes From Thomas Edison That Will Inspire Success, 11/2/2016, https://www.inc.com/kevin-daum/37-quotes-from-thomas-edison-that-will-bring-out-your-best.html
[3] Dr. Lou E. Whitaker, How does positive thinking affect neuroplasticity? https://content.acsa.org/articles/how-does-positive-thinking-affect-neuroplasticity.
[4] Wikipedia, Serotonin, https://vi.wikipedia.org/wiki/Serotonin
[5] Wikipedia, Dopamine, https://vi.wikipedia.org/wiki/Dopamin
[6] Goleman Daniel, 2018, Trí tuệ cảm xúc, NXB Lao động – Xã hội.
[7] David Eagleman, Não bộ kể gì về bạn, 2019, NXB Dân Trí.
[8] Jack Canfield, Người nam châm, Tái bản lần thứ 6, 2015, NXB Lao động – Xã hội.
[9] Steven Schuster, Rèn luyện tư duy tích cực, 2020, NXB Thế Giới.