ASEAN có đủ vai trò cầm trịch trong việc mang lại biến chuyển về vấn đề biến đổi khí hậu Đông Nam Á?

Trừ Singapore, người dân các nước Đông Nam Á đều cho rằng chính phủ chưa hành động đủ trước các hiểm hoạ khí hậu

Nghiên cứu mới cho thấy người dân trên khắp Đông Nam Á đang lo ngại rằng các chính phủ chưa làm đủ để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Báo cáo khảo sát các Quốc gia Đông Nam Á năm 2020 do Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) công bố cho thấy, biến đổi khí hậu hiện là một trong những vấn đề an ninh hàng đầu được các chuyên gia khu vực và các nhà lãnh đạo quan tâm. 66,8% trong số 1.308 chuyên gia Đông Nam Á trả lời khảo sát cho báo cáo khắp ASEAN bày tỏ lo ngại đến các tác động của khí hậu, tăng từ 52,6% năm 2019.

Trong vài thập kỷ gần đây, các hiểm họa khí hậu đã có những tác động hủy hoại trong khu vực. 52,7% số người trả lời khảo sát của các Quốc gia Đông Nam Á năm 2020 tin rằng đây là một mối đe dọa nghiêm trọng và tức thời đối với sự thịnh vượng của đất nước họ. Quan điểm này được nhấn mạnh từ những người tham gia khảo sát từ sáu quốc gia ASEAN: Indonesia, Philippines, Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do các hiểm họa khí hậu như lũ lụt, hạn hán và thời tiết khắc nghiệt.

Bảng khảo sát quan điểm về biến đổi khí hậu (%)

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS-Yusof Ishak

Bảng đánh giá nỗ lực của chính phủ khi đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu (%)

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS-Yusof Ishak

Nếu không có một cam kết bảo vệ môi trường, hậu quả có thể ngày càng tệ hơn, và các chuyên gia ASEAN lo ngại rằng chính phủ của họ chưa hành động đủ để giải quyết khủng hoảng. 52,2% những người tham gia khảo sát nói rằng chính phủ của họ nhận thức được các mối đe dọa khí hậu nhưng chưa phân bổ đủ nguồn lực để giải quyết chúng. Ở các nước thu nhập trung bình thấp đang phát triển nhanh như Việt Nam, Indonesia và Philippines, mối quan tâm này càng rõ rệt. Duy nhất tại Singapore, phần lớn những người tham gia khảo sát nói rằng chính phủ của họ đã đặt khí hậu lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia và phân bổ đủ nguồn lực để giải quyết điều này.

Các mối đe dọa khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ASEAN

Khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến những thảm họa biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Năm 2008 tại Myanmar, Bão Nargis đã làm 130.000 người chết và gây ra thiệt hại 12,9 tỷ USD, khiến nó trở thành cơn bão nguy hiểm nhất và gây tổn thất lớn nhất từ trước đến nay ở Ấn Độ Dương. Một báo cáo từ Chương trình Môi trường các quốc gia Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng Myanmar đã nỗ lực thúc đẩy chương trình phát triển kinh tế của họ sau thảm họa, vì cơn bão đã gây thiệt hại lớn cho khu vực Ayeyarwady và khu vực Yangon.

Năm năm sau, cơn bão Haiyan tấn công Philippines, buộc hơn 6 triệu người dân phải di dời. Cơn bão đã phá vỡ các chương trình phát triển quốc gia của Philippines, bao gồm các kế hoạch trợ cấp nhà ở và cơ sở hạ tầng cho người nghèo và làm tăng sự nghèo đói.

Do nhiệt độ toàn cầu tăng, thảm họa khí hậu khắc nghiệt sẽ xảy ra thường xuyên hơn, theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC). Biến đổi khí hậu có thể hủy hoại các kế hoạch phát triển, đặc biệt là đối với các quốc gia hạn chế về nguồn lực và năng lực. Các tác động có thể làm suy yếu tầm nhìn của các quốc gia thành viên ASEAN để phát triển một khu vực mạnh và thịnh vượng hơn.

Ngập lụt ở Manila, Philippines. Ảnh: SuSanA Secretariat / CC BY

Biến đổi khí hậu có thể mang lại những tác động đối với an ninh khu vực. Nghiên cứu của Viện các vấn đề quốc tế Na Uy đã chỉ ra rằng di cư do khí hậu từ các khu vực trũng ở Bangladesh đã gây ra căng thẳng ở Myanmar và giữa các quốc gia thành viên ASEAN khác. Khi người dân mất sinh kế do lũ lụt và hạn hán, Đông Nam Á có thể chứng kiến một dòng người di cư trong tương lai.

Biến đổi khí hậu cũng có thể đe dọa ngành nông nghiệp ASEAN, ngành đóng góp 10,3% GDP của khu vực. Nghiên cứu của Viện lúa gạo quốc tế nhấn mạnh rằng năng suất lúa sẽ giảm 10% khi nhiệt độ tăng 1 độ C. Hơn nữa, sự thay đổi của khí hậu có thể gây ra sự gián đoạn trong việc làm nông nghiệp - một vấn đề lớn vì sinh kế của hơn một phần ba dân số của Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan phụ thuộc vào nền nông nghiệp.

Theo báo cáo của Hội đồng Du lịch Thế giới, biến đổi khí hậu cũng có thể làm gián đoạn ngành du lịch đóng góp 12% GDP của khu vực. Nó có thể đe dọa các kỳ quan thiên nhiên nằm ở khu vực ven sông và ven biển như các thành phố di sản Luông Pha Băng (Lào), Penang (Malaysia), cũng như Vịnh Hạ Long (Việt Nam), hồ Inle (Myanmar) và Tonle Sap (Campuchia), cũng như các đảo nhỏ trong khu vực. Nhiều sáng kiến giảm thiểu các tác động khí hậu sẽ bảo vệ khu vực đang phát triển nhanh chóng này.

ASEAN đã làm gì để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu?

Nhiều sáng kiến của ASEAN về biến đổi khí hậu tập trung vào các vấn đề khí hậu xuyên biên giới. Khối khu vực đã thiết lập Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm khói mù xuyên biên giới năm 2002, đây là một cam kết ràng buộc đối với các nỗ lực phòng chống khói mù. Tuy nhiên, ô nhiễm xuyên biên giới từ các vụ cháy rừng ở Indonesia vẫn tiếp tục, ảnh hưởng đến Malaysia và Singapore cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Lục địa Đông Nam Á cũng đã bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí do cháy rừng trong mùa khô.

Khói mù tại  Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Nesnad / CC BY

Những lo ngại liên quan đến khả năng của chính phủ Indonesia trong việc giám sát các hành vi đốt và phá rừng trái phép của các công ty dầu cọ liên kết với các tập đoàn Singapore và Malaysia. Các chuyên gia khu vực đã lên tiếng chỉ trích rằng thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý năm 2002 vẫn không khiến các bên liên quan hành động, do thiếu sự thực thi và các nguyên tắc không can thiệp của ASEAN.

Cựu phó tổng thống Indonesia, Jusuf Kalla, đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc năm 2019 rằng: “Vùng đất và các đám cháy rừng bùng phát ở Sumatra và Kalimantan đang trở nên tồi tệ hơn do tác động của biến đổi khí hậu”. Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, hạn hán sẽ kéo dài hơn và dữ dội hơn, và cháy rừng có thể lan nhanh hơn.

ASEAN cũng đã thông qua các kế hoạch cho Lưới điện ASEAN, nhằm mục đích khuyến khích các quốc gia thành viên tập hợp các nguồn lực và tạo điều kiện cho mua bán điện trong khu vực. Thay vì xây dựng các máy phát điện ở mỗi địa phương sẽ làm tăng các dấu chân carbon và tăng chi phí bảo trì cơ sở hạ tầng, chính sách Lưới điện ASEAN thúc đẩy cung cấp năng lượng bền vững và hiệu quả hơn với hội nhập khu vực sâu hơn. Tuy nhiên, nhận thức và hỗ trợ của cộng đồng đối với Lưới điện ASEAN vẫn còn rất thấp.

Gần đây, ASEAN cũng thành lập Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN như một chất xúc tác cho chính quyền địa phương trên khắp các thành phố của mình để xây dựng các dự án được ngân hàng bảo lãnh để giải quyết các vấn đề đô thị bằng công nghệ. Nhiều dự án được đề xuất bởi các thành phố nhằm giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu, bằng cách cải thiện giao thông công cộng, khuyến khích người dân chuyển từ ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm nhẹ lũ lụt bằng công nghệ thông minh. Với sáng kiến này, ASEAN đã bắt đầu triển khai sự hợp tác vượt ra ngoài phạm vi của chính phủ quốc gia, khuyến khích sự tham gia tích cực từ chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các khu vực phi lợi nhuận.

ASEAN có thể làm gì khác để giải quyết biến đổi khí hậu?

Khi người dân trên khắp Đông Nam Á đang ngày càng quan tâm đến biến đổi khí hậu, ASEAN có thể sử dụng cơ hội để dẫn đầu và tạo ra những tác động đáng kể để thúc đẩy hợp tác khu vực sâu sắc hơn.

Một ấn phẩm của Trung tâm Luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore về Giải mã Quy tắc Paris cho Đông Nam Á chỉ ra rằng tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN đã đệ trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Điều này có nghĩa là tất cả các quốc gia thành viên đều cam kết đẩy nhanh việc giảm phát thải và thích ứng khí hậu toàn cầu. Điều này có nghĩa là ASEAN có cơ hội tìm thấy các vấn đề và lợi ích giao nhau giữa các quốc gia thành viên.

Theo Trung tâm Luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, một bước quan trọng là thiết lập một khuôn khổ thể chế mạnh mẽ. Khi các vấn đề biến đổi khí hậu khu vực trở nên phức tạp hơn và liên kết với nhau trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng, ASEAN cần một khuôn khổ thể chế có thể kết nối các dự án và chương trình trên các quy mô khác nhau. ASEAN đã bắt đầu nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường và một khung thể chế mới có thể phục vụ để phối hợp các hành động hiện có và đưa ra định hướng chiến lược cho đến khi có kết quả.

Ngoài ra, điều quan trọng đối với Đông Nam Á là hướng các nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để tiếp tục cam kết lâu dài về khí hậu. Malaysia và Thái Lan đã đưa ra các ưu đãi tài chính cho ngành năng lượng tái tạo. Từ đó, ngành năng lượng sạch đã phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm. Đà phát triển này nên được duy trì và sử dụng để khám phá các cơ hội khác.

Bài viết được dịch từ website: https://www.aseantoday.com/2020/05/asean-could-bring-climate-transformation-to-southeast-asia/

Thực hiện: Trần Thị Phương Thảo

 

Chia sẻ: